Thưa ông, vì sao việc bán cổ phần thuộc sở hữu nhà nước tại Công ty cổ phần du lịch Hương Giang không được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai?
- Mục tiêu của tỉnh rất muốn sau khi thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần du lịch Hương Giang là chọn được một đối tác mạnh nhất để thúc đẩy du lịch Huế phát triển.
Thời điểm đó, trên địa bàn tỉnh chưa có thương hiệu du lịch nào lớn, chủ yếu thương hiệu nội địa. Vì vậy, tỉnh muốn tìm một số nhà đầu tư có thể đưa về Huế những thương hiệu quốc tế.
Tỉnh đã tìm hiểu và nhận thấy Tập đoàn Bitexco thỏa mãn những yêu cầu phát triển, với những thương hiệu khách sạn đẳng cấp quốc tế. Vì vậy, tỉnh đã chọn tập đoàn này là nhà đầu tư chiến lược của tỉnh để phát triển du lịch và các lĩnh vực khác.
Khi tiến hành bán cổ phần ở Công ty Hương Giang, tỉnh thấy rằng nếu bán đấu giá bình thường thì không chọn được nhà đầu tư chiến lược để phát triển theo mong muốn của tỉnh. Vì vậy, tỉnh đã đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu thoái vốn theo hình thức chọn nhà đầu tư chiến lược.
Sau đó, Chính phủ đã có văn bản cho phép tỉnh lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để thực hiện thoái vốn theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Trên cơ sở này, tỉnh đã chọn Bitexco.
* Thưa ông, dư luận cho rằng giá bán 12.600 đồng/cổ phần của một doanh nghiệp lớn như Công ty Hương Giang là quá thấp. Cơ sở nào để UBND tỉnh chọn và phê duyệt mức giá bán như vậy?
- Do thời điểm đó Công ty Hương Giang chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nên phải mời một đơn vị tư vấn thực hiện thẩm định giá.
Ban đầu, Công ty Hương Giang đã chọn đơn vị tư vấn là Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá đưa ra là 11.600 đồng/cổ phiếu tại thời điểm tháng 8-2015.
Sở Tài chính thấy chưa yên tâm nên chọn đơn vị thẩm định khác là Công ty cổ phần thông tin và thẩm định giá Miền Nam và công ty này đưa ra giá 12.066 đồng/cổ phiếu.
Hội đồng thẩm định giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước của tỉnh đã tham khảo hợp đồng bán 300.000 cổ phiếu của một cổ đông Công ty Hương Giang với giá bán 5.000 đồng/cổ phiếu, vào tháng 8-2015.
Vì vậy, hội đồng đã thống nhất mức giá 12.600 đồng/cổ phần, trên cơ sở đó UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt.
* Trước đó năm 2007, Công ty Hương Giang đã đưa ra bán đấu giá trên sàn chứng khoán và đã bán được với giá 32.500 đồng/cổ phiếu, gấp gần ba lần giá bán của 9 năm sau. Nếu như bán đấu giá công khai, theo ông, giá trị bán có cao hơn không?
- Giá mua bán tùy thuộc từng thời điểm. Có những cổ phần trước kia rất cao, sau này giảm xuống, cũng bình thường thôi.
Cũng như mua một lô đất, người thích thì sẵn sàng mua giá cao. Sàn chứng khoán có lúc đỏ lúc xanh, không thể nói được. Nếu cứ lấy thời điểm giá lên cao để so sánh thì khập khiễng lắm.
Thời điểm đó (2016), Công ty Hương Giang làm ăn thua lỗ hai năm liên tục.
* Vừa mua xong cổ phần, Bitexco đã chuyển nhượng một phần cổ phần trong Công ty Hương Giang cho một đơn vị khác. Và đến lúc này, vẫn chưa thấy nhà đầu tư này thực hiện cam kết. Liệu tỉnh đã chọn đúng nhà đầu tư chiến lược chưa?
- Nhà đầu tư chiến lược có thể đầu tư trực tiếp hoặc liên kết với các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Khi chọn Bitexco, tỉnh cũng mong muốn nhà đầu tư này liên kết để thu hút dòng vốn, thương hiệu lớn quốc tế vào Huế.
Vào thời điểm đó, Bitexco là một thương hiệu lớn, hoạt động rất tốt. Ba năm qua họ gặp khó khăn, nhưng chắc chắn Bitexco sẽ triển khai ngay các dự án du lịch lớn như đã cam kết.
Luật sư LÊ CAO (Đoàn luật sư Đà Nẵng):
Chuyển nhượng không đúng luật
Việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần du lịch Hương Giang là chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần.
Theo quy định tại điều 39 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và được hướng dẫn tại điểm b khoản 4 điều 38 nghị định 91/2015/NĐ-CP, đối với công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn Upcom (sàn giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết) thì thực hiện chuyển nhượng vốn bằng phương thức đấu giá công khai.
Nếu đấu giá công khai không thành công thì chào bán cạnh tranh thông qua hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô. Nếu bán đấu giá cổ phần theo lô không thành công thì mới thực hiện bán thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tự chọn nhà đầu tư để chuyển nhượng theo hình thức thỏa thuận trực tiếp là không đúng với quy định nói trên.
* PGS.TS Phạm Xuân Lan (giảng viên cao cấp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):
Phải khắc phục những bất cập
Hiện nay, việc thoái vốn thuộc sở hữu nhà nước tại các công ty cổ phần có nhiều bất cập, len lỏi vào tất cả các khâu, từ định giá trị doanh nghiệp, công khai thông tin, bán đấu giá...
Việc định giá trị thực tế doanh nghiệp, giá trị thực tế vốn chủ sở hữu thường thấp hơn giá trị thực tế rất nhiều. Nhiều đơn vị sau khi mua phần vốn của Nhà nước với giá rẻ xong bán lại ngay để hưởng chênh lệch với số tiền lớn.
Vấn đề đặt ra là phải khắc phục được những bất cập, trong đó có hai việc.
Thứ nhất, việc định giá trị thực tế doanh nghiệp, giá trị thực tế vốn chủ sở hữu ban đầu phải chính xác để đưa ra giá sàn. Đây là cơ sở để triển khai đấu giá, đảm bảo thu về nguồn lợi lớn nhất cho Nhà nước.
Cần quy định chặt chẽ phương pháp, cơ sở định giá, tiêu chí lựa chọn đơn vị định giá.
Thứ hai, quy trình đấu giá phải đảm bảo cơ chế công khai, minh bạch thông tin để tất cả các cá nhân, tổ chức có năng lực đều có quyền tiếp cận, mua cổ phần. Đồng thời, có sự giám sát chặt chẽ quá trình đấu giá.
Theo Minh Tự- Khá Hữu- Tiến Long (Tuổi Trẻ)