Chủ tịch nước: Phải có chiến lược để trẻ không bị bạo hành

01/12/2017 14:31:44

Ông Trần Đại Quang lên án mạnh mẽ những vụ bạo hành và cam kết đang có các giải pháp chiến lược, thường xuyên bảo vệ trẻ em.

Chủ tịch nước: Phải có chiến lược để trẻ không bị bạo hành
Ông Trần Đại Quang có mặt tại buổi tiếp xúc cử tri khá sớm. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sáng 1/12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của hơn 450 cử tri quận 1, 3, 4 (TP HCM) và thông tin các nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14.

Là người đầu tiên phát biểu, bà Mai Thị Ngọc Thúy (ngụ quận 4), bày tỏ trăn trở về nạn bạo hành trẻ em. "Chưa bao giờ sự an toàn của trẻ bị xâm hại đến mức báo động như thời gian gần đây. Phụ huynh khi vừa sinh con đã có nhiều lo lắng: sợ tiêm nhầm thuốc tử vong, sợ con đi học bị bạo hành, đi chơi sợ bị bắt cóc...", bà Thúy nói.

Lấy ví dụ chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12) vừa bị khởi tố, bà Thúy nhận định "bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục tư thục báo động nhất".

"Chính quyền đã xử lý giáo viên, giải thể cơ sở giữ trẻ, song mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Tôi lo đây không phải là sự việc cuối cùng. Nguyên nhân lớn nhất để xảy ra bạo hành trẻ là sự yếu kém trong quản lý, kiểm tra của cơ quan chức năng. Tôi đề nghị xử lý mạnh những người gây ra vụ việc, ngăn chặn mầm mống khác có thể xảy ra", bà Thúy nói.

Chủ tịch nước: Phải có chiến lược để trẻ không bị bạo hành - 1
Chủ tịch nước trả lời cử tri sáng 1/12. Ảnh: Thành Nguyễn.

Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu một số vụ bạo hành trong thời gian gần đây mà ông cũng phải thốt lên: "Không biết họ có còn là con người không, còn nhân tính không?".

Ông đồng tình với ý kiến của bà Thúy về việc cần đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai đất nước, đó cũng là chủ trương mang tính chiến lược lâu dài.

"Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ là vấn đề toàn xã hội phải quan tâm. Tôi và các lãnh đạo trung ương đã chỉ đạo các cấp ngành, không chỉ làm vài việc rồi rơi vào quên lãng, mà phải là chiến lược thường xuyên, việc làm hàng ngày", ông Quang nói và cho biết đã yêu cầu tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh đủ mức răn đe những đối tượng bạo hành, xâm hại trẻ em.

"Tôi cũng đồng ý với cử tri chấn chỉnh lại hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng phối hợp giữa nhà trường, gia đình các đoàn thể trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phát hiện kịp thời các vụ bạo hành", Chủ tịch nước đánh giá.

Chủ tịch nước: Phải có chiến lược để trẻ không bị bạo hành - 2
Cử tri bày tỏ lo lắng với Chủ tịch nước. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong khi đó, cử tri Hoàng Ngọc Hải (quận 1), bày tỏ lo lắng về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm và đề nghị Quốc hội đưa hành vi làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm vào luật hình sự với tội danh "đầu độc nhân loại". Khi phát hiện đối tượng vi phạm phải bị thu hồi toàn bộ tài sản, xử lý nặng, công khai cho người dân biết.

"Tội phạm này ngang với diệt chủng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống mỗi gia đình, xã hội", ông Hải nhấn mạnh.

Còn ông Võ Thiện Tín (quận 1) quan tâm đến tình trạng biến đổi môi trường sống, khi vừa qua một số họat động phát triển kinh tế xã hội đã gây hàng loạt vấn đề cạn kiệt tài nguyên, suy thoái, ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch nước cho "đây là những ý kiến chính xác". Ông đề nghị lãnh đạo TP HCM lắng nghe, tiếp thu để bổ sung vào các chương trình, kế hoạch của thành phố chuẩn bị ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, không thể đánh đổi môi trường bằng mọi giá.

"Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu, tác động đến sự phát triển, nền kinh tế rất nhanh. Thậm chí có những tác động không lường trước được lại xảy ra nhanh - như tình trạng xâm nhập mặn cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long", Chủ tịch nước đưa ví dụ.

Ông Quang cũng cho rằng trung ương đã có sự chuẩn bị các giải pháp ứng phó, bằng nhiều hội thảo khoa học, tiếp thu chương trình của các tổ chức quốc tế để có thể thích nghi, ứng phó, giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu.

Theo Tuyết Nguyễn (VnExpress.net)

Nổi bật