Chiều 9/5, tại UBND xã Hòa Phú (huyện Củ Chi, TPHCM), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị bầu cử số 10 (huyện Củ Chi và Hóc Môn).
Cùng tham gia hội nghị còn có các ứng cử viên khác gồm: Bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; ông Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Hiệp - Phó hiệu trưởng điều hành Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Tham dự buổi tiếp xúc còn có Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong.
Tại hội nghị, trình bày chương trình hành động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được Hội đồng bầu cử quốc gia giới thiệu ứng cử tại huyện Củ Chi - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Đặc biệt, Chủ tịch nước còn chia sẻ mảnh đất này là nơi đã sinh ra cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người đồng chí, người anh lớn thân thiết đã dìu dắt và bồi dưỡng ông trưởng thành như hôm nay.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, là đại biểu của dân thì phải gắn bó mật thiết với nhân dân, nhất là các cử tri đã bầu mình. Ông bày tỏ rất muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để phản ánh lên Quốc hội, Đảng và cùng tham gia giải quyết thấu tình đạt lý những bức xúc của cử tri.
Chủ tịch nước cho biết với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo của đất nước, cá nhân ông có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng… góp phần để nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho rằng không chỉ quan tâm đến kinh tế, cá nhân ông còn còn đặc biệt chú ý đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, về tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn.
Đề cập đến vấn đề dân chủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm của Đảng, nhà nước và cá nhân ông là phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; lắng nghe ý kiến nhân dân và giải quyết thấu tình đạt lý.
“Chúng ta mà mất dân chủ, đất nước sẽ không còn mạnh. Dân chủ cần được đề cao. Đảng, nhà nước luôn xem trọng những ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, nếu “dân chủ tào lao”, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn” – Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho biết, cả nước đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân tham gia….
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, một khi dân chủ được phát huy, vấn đề đoàn kết các dân tộc, tôn giáo thành một khối thống nhất thì tạo nên sức mạnh vô địch, không một thế lực nào có thể đe dọa đến sự toàn vẹn của đất nước.
Chủ tịch nước đánh giá vai trò, vị thế của Việt Nam trên thế giới đã được xem trọng với việc chúng ta đã ký nhiều hiệp định, nghị định thư quan trọng với các tổ chức hàng đầu trên thế giới.
“Đừng bao giờ để vị thế của một đất nước bị coi thường” – Chủ tịch nước nhấn mạnh và cho rằng để có nền tảng tốt hơn, như vấn đề cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người,… luật pháp của chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa. Nền tư pháp, hệ thống pháp luật tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp để làm sao mọi người đều hăng hái đóng góp xây dựng quê hương đất nước, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài.
“Là chủ tịch nước, tôi sẽ quan tâm tháo gỡ các nút thắt để trên dưới một lòng xây dụng đất nước ngày càng giàu đẹp. Xây dựng quân đội, công an ngày càng chính quy, tiến tới hiện đại. Tinh thần đoàn kết dân tộc là sức mạnh, góp phần làm nên thành công, đại thành công” – Chủ tịch nước bày tỏ.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ chia sẻ niềm vinh dự khi được giới thiệu ứng cử tại huyện Củ Chi – quê hương bà. Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết, bà được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng với ông nội, bố và chú ruột đều ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến. Bà còn là cháu nội của một bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Củ Chi.
“Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình là con em của quê hương giàu truyền thống cách mạng đã đi vào lịch sử, lo vì chưa đóng góp gì cho quê hương và những công việc cần làm nếu trúng cử để đáp lại niềm tin yêu của đồng bào cử tri đã dành cho mình” – bà Lệ bày tỏ.
Trong chương trình hành động của mình, ứng cử viên Nguyễn Thị Lệ khẳng định sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện bản thân, luôn hành động vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Thực hiện nghiêm túc lắng nghe ý kiến cử tri, thường xuyên đi cơ sở và dành thời gian thỏa đáng để tiếp dân, phản ánh trung thực các ý kiến với Quốc hội và giám sát giải quyết các vấn đề cử tri kiến nghị. Thường xuyên liên hệ với cấp ủy chính quyền, MTTQ ở địa phương để nắm tình hình, trao đổi thông tin, gắn bó, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm.
PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cam kết chú ý đến các hoạt động nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cụ thể hóa hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa Quốc hội và ĐBQH với cử tri đồng thời nghiên cứu, đề xuất các biện pháp nhằm đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Hiệu trưởng (điều hành) Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cam kết sẽ tích cực tham gia đóng góp xây dựng chính sách để đa dạng hóa các hình thức chăm sóc và gia tăng chất lượng dịch vụ y tế cơ sở; giám sát việc thực hiện và phản biện các chính sách y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
“Với kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, tôi sẽ góp phần cùng ngành y tế sẽ có các chính sách phù hợp để đảm bảo sức khỏe của nhân dân và ổn định cuộc sống trong tình hình mới” – ông Hiệp chia sẻ.
Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)