Ngày 30/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện Phổi Đà Nẵng và các cơ sở cách ly trên địa bàn thành phố,
Tại bệnh viện phổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra hệ thống trang thiết bị tại Bệnh viện Phổi, làm việc, trao đổi với cán bộ, y bác sĩ đang công tác tại bệnh viện.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết bệnh viện đang điều trị cho 58 bệnh nhân Covid-19. Đây là những người nhập cảnh về Đà Nẵng và được cách ly điều trị ngay từ đầu. Trong đó, 14 bệnh nhân đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Còn lại 44 bệnh nhân thì có 10 bệnh đã âm tính lần 1.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng khẳng định có đầy đủ trang thiết bị y tế để chữa trị cho các ca Covid-19 trong đó có những ca nặng. Bác sĩ Phúc cho biết hiện toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế và kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết dịp lễ 30/4, 1/5 Đà Nẵng đón nhận gần 130.000 du khách. Theo ông Chinh, dịp này, thành phố đã quyết định cho dừng tất cả các sự kiện tập trung đông người.
"Dù chưa có ca bệnh nhưng Đà Nẵng đã có kế hoạch dự trữ sinh phẩm, thiết bị y tế để chuẩn bị cho mọi tình huống trong trường hợp có dịch xảy ra", ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, đối với ca bệnh 2899 ở tình Hà Nam và nhập cảnh từ Nhật Bản mà Đà Nẵng là nơi tiến hành cách ly thì ngành y tế và các cơ quan liên quan đã thực hiện nghiêm túc, cách ly đủ 14 ngày và có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bệnh nhân này đã hoàn thành cách ly và âm tính khi xét nghiệm 3 lần nên đủ điều kiện trở về địa phương và tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay sau trường hợp 2899, Bộ sẽ có cuộc họp đánh giá lại và đưa ra khuyến cáo cho các địa phương thực hiện đúng quy định về các biện pháp cách ly phòng chống dịch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần chống dịch của Đà Nẵng. Chủ tịch nước lưu ý Đà Nẵng là trung tâm du lịch lớn, du khách tập trung cao, mỗi ngày đón nhận nhiều chuyến bay nên trách nhiệm rất nặng nề.
"Đà Nẵng phải thể hiện vai trò địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ... phải sẵn sàng kích hoạt mọi hoạt động, phương châm, phương án khác nhau để sẵn sàng bao vây, dập dịch nếu có ca bệnh xuất hiện trên địa bàn. Chúng ta đã làm và cần làm tích cực hơn nữa", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cho rằng Việt Nam có kinh nghiệm khoanh vùng nhanh, dập dịch nhanh, phát hiện sớm để giải quyết được dịch bệnh. Đây cũng là kinh nghiệm mà các nước đã nghiên cứu ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ thần tốc truy vết.
"Hệ thống y tế của chúng ta phải luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. Chính vì vậy mà tôi nghĩ ngành y tế cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng chưa thể có nghỉ ngơi lúc này mà phải dành hết thời gian, công sức để giữ gìn và ngăn dịch bệnh", Chủ tịch nước động viên.
Theo Chủ tịch nước, ngành y tế và cách địa phương phải luôn chủ động trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
"Nếu khủng hoảng ngành y tế sẽ dẫn đến khủng hoảng nền kinh tế. Ngành y tế từ Trung ương đến địa phương phải sẵn sàng trong lúc này. Tinh thần lúc này là phải 5K cộng vắc xin và thêm K thứ 6 là không xâm nhập trái phép, không chất chứa trong gia đình những người lạ mặt, không khai báo y tế. Việt Nam phải thực hiện 6K", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Theo Đình Thức (Tổ Quốc)