Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tuyên truyền mạnh hơn, hiệu quả hơn để người dân nắm rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và thực hiện nghiêm các quy định của TP, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội không ra khỏi nhà, "ai ở đâu thì ở đó", cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường... và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho người dân.
Chính quyền vận động đến từng hộ gia đình không ra ngoài khi không có lý do chính đáng; ký cam kết thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch tại khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm...
TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do lực lượng Công an, Y tế, Thanh tra làm nòng cốt tiến hành kiểm tra đột xuất về công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện giãn cách xã hội tại tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài ra, rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp không thuộc nhóm sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, yêu cầu chấp hành nghiêm việc cấp giấy đi đường và phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch; kiên quyết xử phạt và cho tạm dừng hoạt động những đơn vị không chấp hành nghiêm quy định.
Về công tác xét nghiệm diện rộng, căn cứ kết quả các đợt xét nghiệm diện rộng đợt 1 và 2 và tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Hà Nội giao Sở Y tế tiếp tục tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch xét nghiệm cho các khu vực nguy cơ và các đối tượng nguy cơ. Đồng thời tiếp tục xét nghiệm cho các đối tượng bị ho sốt để sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết F1, làm sạch cộng đồng, trong đó tập trung cao điểm trong hai đợt: từ nay đến ngày 30/8 và từ ngày 30/8 đến 6/9.
TP giao Sở Y tế khẩn trương lập danh mục mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, trình UBND TP phê duyệt, phân công, phân cấp để triển khai mua sắm đảm bảo tiến độ yêu cầu, không được để chậm trễ, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Sở Y tế phối hợp các cơ quan liên quan bảo đảm trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các cơ sở thu dung điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy. Ngoài ra, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô về các nội dung cần đề xuất với Bộ Quốc phòng hỗ trợ TP. Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch và tham mưu cho UBND TP có văn bản gửi lãnh đạo Bộ Quốc phòng về nội dung trên.
Về tiêm vaccine phòng Covid-19, căn cứ số lượng được phân bổ, kế hoạch tiêm vaccine được phê duyệt, Sở Y tế hướng dẫn và giám sát UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tiêm vaccine bảo đảm an toàn, đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, vi phạm quy định.
Về công tác bảo đảm an sinh xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ các đối tượng theo các quy định, không để chậm trễ.
Phối hợp với UBMTTQ TP tiếp tục rà soát kỹ, nghiên cứu, đề xuất có phương án tiếp tục hỗ trợ các đối tượng khó khăn trong những ngày kéo dài giãn cách xã hội.
Công an TP phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng địa phương siết chặt kiểm soát tại 23 chốt vào TP, kể cả xe công vụ, xe cứu thương, xe luồng xanh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và lợi dụng xe ưu tiên để đưa người vào TP không đúng quy định.
Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong đợt giãn cách xã hội và dịp Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chủ động xây dựng phương án cao hơn về bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, tổ chức diễn tập các phương án; tham mưu, đề xuất Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.
Công an Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam, giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan báo chí của Trung ương và TP tăng cường thông tin về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch, phát huy vai trò quan trọng của toàn bộ hệ thống truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở tuyên truyền để nhân rộng các mô hình, lan tỏa các hành động đẹp, nhân văn, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Thường xuyên theo dõi thông tin; bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc.
Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị liên quan rà soát các quy định an toàn phòng, chống dịch, tham mưu UBND TP báo cáo cấp có thẩm quyền bãi bỏ các quy định không phù hợp, để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...
Sở Xây dựng phối hợp Sở Y tế, các đơn vị liên quan thống nhất hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã cho phép tiếp tục thi công một số công trình thiết yếu tại một số địa phương "vùng xanh".
Ban quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Sở Công Thương và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn"; hoàn thiện các mô hình, kinh nghiệm phù hợp với điều kiện và diễn biến tình hình dịch bệnh; thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp.
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến trưa 26/8, Hà Nội ghi nhận tổng 2.803 ca, trong đó 1.448 người ngoài cộng đồng và 1.355 người trong khu cách ly, phong tỏa.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)