Theo ông Chu Ngọc Anh, một số sở, ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo trong triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 17, trong đó giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc tạo "luồng xanh" cho xe chở hàng hóa thiết yếu; hoạt động của đội ngũ giao hàng (shipper); thi công các công trình trọng điểm, người thực hiện công vụ ra vào thành phố...
Công an thành phố đã lập 29 chốt kiểm soát các cửa ngõ Thủ đô, tăng 7 chốt so với thời gian đầu; đôn đốc 4.147 cảnh sát khu vực quản lý chặt nơi cư trú; huy động 789 tổ công tác ở công an các quận, huyện, thị xã để tăng cường kiểm tra vi phạm. Thành phố bước đầu đã xử phạt 1.359 trường hợp vi phạm ra ngoài không đúng quy định, không đeo khẩu trang và 32 cơ sở kinh doanh hoạt động không đúng quy định...
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác phòng, chống dịch còn lâu dài, không chỉ 15 ngày giãn cách xã hội, nên thành phố phải có kế hoạch, kịch bản lâu dài để nắm thế chủ động.
Trước mắt cần phân công lại công việc của lực lượng tuyến đầu cho hợp lý hơn, tập trung đúng vào nhiệm vụ, chức năng chính, vừa giảm tải vừa bảo đảm hiệu quả. Ông Phong cũng cho biết, các đoàn của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục kiểm tra theo phương châm sát với tình hình thực tiễn, xuống trực tiếp điểm nóng để bảo đảm thực chất. Ông đề nghị các địa phương phải tăng cường các biện pháp phòng thủ để giữ an toàn cho các địa bàn chưa có F0, tạo thành các "vùng xanh" trong thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh trọng tâm lúc này là thực hiện đúng nguyên tắc: "Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh". UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố "chia lửa" trong việc bố trí thêm các chốt kiểm soát; tổ chức thêm lực lượng hỗ trợ như quân nhân dự bị, bảo vệ dân phố, dân phòng, đoàn viên, hội viên, các tổ Covid-19 cộng đồng, các tình nguyện viên..., không để tình trạng "ngoài chặt, trong lỏng".
Các cấp, các ngành đồng loạt tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ trên toàn địa bàn, bảo đảm chặt chẽ từ cơ sở; trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định "chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết" và việc bảo đảm số lượng người đi làm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.
Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để nhiều người dân vi phạm quy định, để cơ quan, đơn vị, tổ chức không tuân thủ quy định về số lượng người đi làm và các quy định an toàn phòng dịch trong Chỉ thị số 17/CT-UBND.
Chủ tịch Hà Nội đặc biệt lưu ý các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải siết chặt hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định.
Đặc biệt, ông yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn Chỉ thị số 17 (trên nguyên tắc chỉ thị 16) đối với địa bàn có nguy cơ cao. Đây là thẩm quyền đã được thành phố phân cấp cụ thể.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, đoàn kết quyết tâm cao, phối hợp nhịp nhàng để cùng giải quyết những nhiệm vụ, công việc đặt ra như vận chuyển các F1 đến nơi cách ly tập trung, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng dịch tại các điểm tiêm vaccine; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp ho, sốt, khó thở, các trường hợp có nguy cơ cao.
Đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4, Hà Nội có tổng 923 ca, tính riêng từ ngày 5/7 đến trưa 28/7 có 654 trường hợp, thuộc các ổ dịch chưa qua 14 ngày. Từ 6h ngày 24/7, Hà Nội giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, quyết tâm "chặn đứng" Covid-19.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)