Dự thảo đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp do Bộ Nội vụ xây dựng, theo kế hoạch, sẽ được trình Trung ương Đảng xem xét tại Hội nghị lần thứ 7 dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm tới.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ nhấn mạnh, tiền lương luôn là lĩnh vực được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Về phía mình, Bộ đã thực hiện 3 nhiệm vụ: Trình Thủ tướng ban hành quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; Trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công ban hành quyết định số 15 kèm theo quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tiền lương nhà nước triển khai xây dựng dự thảo đề án về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để trình hội nghị Trung ương 7 (tháng 4/2018) xem xét.
Lời giải cơ bản để giải quyết được bài toán cải cách tiền lương cho khối cán bộ công chức, viên chức là tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy. |
Tinh giản biên chế khó đạt mục tiêu
Về kết quả đề án tinh giản biên chế gắn với sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức, báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, năm 2016, tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản biên chế là hơn 11.900 người. Trong đó có gần 10.400 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, hơn 1.500 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 14 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 16 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Còn trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là hơn 5.000 người.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa khẳng định, việc thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm sự ổn định về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kể cả những người trong diện phải tinh giản. Thông qua việc tổ chức triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, cùng với chính sách hỗ trợ hợp lý đã động viên và tạo điều kiện cho những người tinh giản biên chế sau khi nghỉ việc thoải mái về tư tưởng và có thêm một khoản kinh phí để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Hạn chế được khái quát chung là, đến nay, vẫn còn nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt đề án tinh giản biên chế đến năm 2021 và chưa xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của bộ, ngành, địa phương mình từ năm 2015 - 2021 và của từng năm, dẫn đến tình trạng đề xuất giải quyết chính sách tinh giản biên chế không theo quy định (định kỳ 2 lần/năm - 6 tháng/lần).
“Với tiến độ và cách làm như hiện nay thì khó có thể thực hiện được mục tiêu nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị” – nhận xét chung nhất được chốt lại.
Quy định xử lý người nghỉ hưu: Đang xin ý kiến
Về kết quả thực hiện nghiên cứu, sửa đổi hoàn thiện các văn bản pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa thông tin, đến nay, Bộ Nội vụ đã trình Ban Cán sự đảng Chính phủ về việc xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nhất là việc xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư và các quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đã kiến nghị UB Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về việc xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức.
Thứ trưởng Thừa nhắc lại, UB Thường vụ Quốc hội đã có văn bản giao Chính phủ xây dựng dự thảo nghị quyết về nội dung trên. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng Nghị quyết. Hiện nay, dự thảo nghị quyết đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, một nội dung khác được báo cáo là, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các văn bản hiện hành quy định về công tác cán bộ, nhất là về các nội dung về phân cấp, quy hoạch; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý để chỉnh sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Quan điểm chung là, xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, bè nhóm, lợi ích, cục bộ.
Theo P.Thảo (Dân Trí)