Chốt danh sách Phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng an ninh

11/04/2016 18:57:17

Ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Phó chủ tịch, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Ngô Xuân Lịch và ông Tô Lâm làm ủy viên Hội đồng quốc phòng an ninh quốc gia.

Theo đó, các ứng viên được giới thiệu vào Hội đồng quốc phòng an ninh đều được thông qua với tỷ lệ đồng ý cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được 485 đại biểu (98%) đồng ý giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Công an Tô Lâm được đồng ý làm ủy viên với số phiếu lần lượt là 485, 484 và 485 (tương đương 98%).
 

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: TTX


Hội đồng quốc phòng an ninh Việt Nam có nhiệm vụ động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ tổ quốc, quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Trường hợp có chiến tranh, Quốc hội có thể giao Hội đồng quốc phòng an ninh những quyền hạn đặc biệt, quyết định vấn đề sống còn như tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ra quyết định hành động cho Chính phủ, quân đội, công an, ngoại giao để bảo vệ tổ quốc.

Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số.

Điều 88 Hiến pháp năm 2013 quy định, Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua các nhân sự của Hội đồng bầu cử quốc gia. Cụ thể, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giành 481 phiếu (97%), Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được 478 phiếu (96%) đồng tình làm Phó chủ tịch.

13 người được phê chuẩn làm ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia với tỷ lệ đồng ý cao là:

1. Ông Đỗ Bá Tỵ (Phó chủ tịch) 98%

2. Ông Phùng Quốc Hiển (Phó chủ tịch) 97%

3. Ông Phạm Minh Chính (Trưởng Ban tổ chức Trung ương) 96%

4. Ông Trần Quốc Vượng (Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương) 97%

5. Ông Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Quốc phòng) 98%

6. Ông Tô Lâm (Bộ trưởng Công an) 97%

7. Ông Trần Văn Túy (Trưởng Ban công tác đại biểu) 98%

8. Ông Lê Vĩnh Tân (Bộ trưởng Nội vụ) 97%

9. Ông Trương Minh Tuấn (Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) 97%

10. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam) 94%

11. Ông Lại Xuân Môn (Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam) 94%

12. Ông Bùi Văn Cường (Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương) 90%

13. Ông Lê Quốc Phong (Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) 95%

Nghị quyết phê chuẩn các chức danh trên cũng được đa số đại biểu Quốc hội thông qua.

Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử quốc gia làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thực hiện nguyên tắc tập chung dân chủ.

Sáng mai, Quốc hội họp phiên bế mạc, thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020 và nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011-2016. Nội dung phiên làm việc sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
 
>> Ông Nguyễn Xuân Phúc được đề nghị làm Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh
>> Bầu lại Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng... vào tháng 7
>> Hôm nay Quốc hội bầu Phó chủ tịch Hội đồng quốc phòng an ninh

Theo Hoàng Thuỳ (VnExpress.net)

Nổi bật