Hiện nhiều người, đặc biệt một số bạn trẻ có suy nghĩ trước sau gì cũng bị COVID-19. Nếu chẳng may nhiễm bệnh thì họ sẵn sàng đón nhận, có niềm tin bệnh khó chuyển nặng vì đã tiêm đủ vắc xin, sau bệnh "bất tử với COVID-19".
Có người còn cho rằng nhiễm bệnh ở thời điểm này lại thích hợp hơn vì nếu nhiễm đúng dịp Tết có thể gặp nhiều rắc rối, đây cũng là điều không may mắn trong dịp năm mới.
Chị N.T.Tr (30 tuổi, quê Quảng Ngãi) là một nhân viên văn phòng tại quận Bình Tân. Sau khi xác định cùng gia đình về quê ăn Tết, điều mà Tr. lo lắng nhất là sẽ mắc Covid-19 trúng thời điểm này.
"Nhiều lúc chị lại muốn nhiễm Covid-19 luôn để đỡ phải e dè phòng tránh nữa. Vì nếu chị về quê mà nhiễm bệnh, không chỉ mất Tết của bản thân mà con sợ lây nhiễm cho cả nhà. Dù sao nhiễm bệnh rồi sẽ an toàn hơn, chị nghĩ tiêm đủ mũi vaccine rồi, không sao đâu", chị Tr. nói.
Cũng giống như chị Tr., tâm lý nhiễm bệnh để được an toàn, được "bất tử" là suy nghĩ chung của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, sau khi khỏi Covid-19, không ít người lại té ngửa vì những di chứng đáng sợ mà Covid-19 để lại.
Anh P.V.T (28 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) nhiễm Covid-19 hồi tháng 8/2021 và khỏi bệnh chỉ vài ngày sau đó. So với những người mắc Covid-19 nặng, anh T. trải qua chuỗi ngày nhiễm bệnh khá thoải mái khi bản thân chỉ sốt 1 ngày, không hề khó thở, mất khứu giác, vị giác và chỉ số SpO2 đều ở mức an toàn.
Sau khi hoàn toàn âm tính với SARS-CoV-2, anh T. quay trở lại công việc, gạt bỏ tâm lý lo sợ, phòng bệnh lúc trước khi không ngại di chuyển vào những nơi dễ lây nhiễm, tiếp xúc với nhiều người (tính chất công việc giao tiếp mỗi ngày). Chưa hết, anh T. còn chia sẻ về quá trình nhiễm bệnh và cách vượt qua của bản thân, động viên tâm lý những F0 đang điều trị.
"Mình cứ nghĩ sau khi khỏi bệnh rồi thì sẽ có sức đề kháng tốt hơn với loại virus này, tâm lý cũng thoải mái, bạn bè đều nói đùa rằng mình đã "bất tử", chẳng lo sợ gì nữa… Đôi lúc, mình thấy tự hào về điều đó, còn mạnh miệng xúi dại mọi người nên nhiễm bệnh đi để khỏi e dè, sợ hãi vì đã 2 mũi vaccine cả rồi, có người đã tiêm mũi bổ sung nên có nhiễm cũng sẽ không sao. Nhưng mình đã sai…", anh T. trầm ngâm rồi nói tiếp.
"Mình liên tục mất ngủ, cứ 2-3 ngày lại mất ngủ một lần, có nhiều đêm liên tục không thể nào chợp mắt, mình phải sử dụng đến thuốc an thần, thậm chí là thuốc ngủ. Cơ thể thì lúc nào cũng mệt mỏi, làm việc nặng hay di chuyển nhiều đôi lúc lại thấy hụt hơi, khó thở. Đặc biệt, tóc mình rụng rất nhiều. Không nghĩ một người vượt qua Covid-19 một cách nhẹ nhàng như mình lại gặp phải những di chứng nặng nề, đáng sợ đến vậy".
Cũng theo anh T., hầu hết những người bạn của anh đã từng nhiễm Covid-19 đều gặp phải những di chứng tương tự, có người còn nặng hơn khi mất khứu giác, không phân biệt được mùi vị, thậm chí phải nhờ đến mặt nạ oxy để thở sau khi vận động quá sức, hụt hơi.
Chủ quan với Covid-19: Nhóm nguy cơ cao sẽ là nạn nhân đầu tiên
PGS Trần Văn Ngọc - phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam - cho biết mặc dù có khoảng 80% người nhiễm COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ, nhưng 20% còn lại có biểu hiện nặng, nguy cơ tử vong cao, thường thấy ở người cao tuổi, mắc bệnh nền.
Do đó dù đã được phủ vắc xin ở nhiều độ tuổi nhưng khi chúng ta nhiễm bệnh, vẫn có thể lây cho những người mình tiếp xúc... Nếu gia đình họ có người cao tuổi, mắc bệnh nền hay trẻ béo phì, suy giảm miễn dịch thì khả năng bệnh chuyển nặng, thậm chí tử vong rất cao ở nhóm người này, nếu mắc phải.
Theo PGS Ngọc, dù xác định sống chung với dịch COVID-19 nhưng mọi người cần đảm bảo an toàn, nếu không sẽ gia tăng lây lan dịch bệnh.
Còn ThS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết suy nghĩ sẽ nhiễm COVID-19 trong tương lai là một thách thức, đánh đổi sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
TS Nguyễn Ngọc Minh (giảng viên bộ môn tai - mũi - họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cũng cho rằng phòng bệnh phải đảm bảo hiệu quả vì không chỉ riêng bản thân mình mà còn những người xung quanh nên quan điểm đó không đúng về y học dự phòng.
"Khả năng bị nhiễm bệnh trong thời điểm này là rất cao vì đang sống chung với dịch. Gánh nặng sau nhiễm không thể bỏ qua khi hiện có rất nhiều người gặp các di chứng hậu COVID-19 và khó trị. Vì vậy quan điểm, suy nghĩ trên là không nên, phải tự bảo vệ mình" - TS Minh nói.
Trao đổi với Dân trí, BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhấn mạnh, tình trạng một bộ phận người dân "buông lỏng" các biện pháp chống dịch từ tâm lý chủ quan trước Covid-19 là rất đáng báo động.
"Nếu người dân có tâm lý chủ quan, chấp nhận việc bị lây nhiễm mà không có biện pháp kiểm soát có thể khiến cho số lượng F0 tăng lên nhanh chóng trong một thời gian ngắn, gây quá tải hệ thống y tế", BS Hùng cho hay.
Theo chuyên gia này, mỗi hệ thống y tế đều có một công suất vận hành tối đa. Khi số F0 tăng quá nhanh và vượt mức này gây tình trạng quá tải sẽ dẫn đến việc không đảm bảo trong công tác chăm sóc y tế, từ đó tăng nguy cơ chuyển nặng và thậm chí là tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.
"Có những trường hợp bệnh nhân nặng khi cơ sở y tế vận hành bình thường sẽ được đáp ứng chăm sóc nhiều hơn nên cơ hội sống của họ sẽ cao hơn. Tuy nhiên, khi cơ sở y tế quá tải, khả năng chăm sóc y tế giảm xuống, đồng thời cũng sẽ làm giảm cơ hội sống của họ", BS Hùng phân tích.
Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng nhận định, khi số ca bệnh tăng nhanh gây quá tải hệ thống y tế, nhóm có nguy cơ diễn biến nặng cao như người cao tuổi, người có bệnh nền sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên và nặng nề nhất.
Không có chuyện "sau nhiễm bất tử với COVID-19"
"Sau khi khỏi bệnh không tạo ra kháng thể bền vững dù đã tiêm đủ vắc xin", ThS Vân Anh nhấn mạnh. Bà cho hay đã gặp rất nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh, tiếp tục trở thành nguồn lây cho những người xung quanh.
Theo quan điểm PGS Ngọc, những câu nói, lời nhắn nhủ trên cũng có hiệu quả về mặt tâm lý, giúp trấn an, động viên, hỗ trợ tinh thần cho người bệnh COVID-19 trong thời gian cách ly, điều trị.
Tuy vậy nếu dùng câu này truyền thông rộng rãi cho cộng đồng thì lại rất nguy hiểm vì đã có rất nhiều người sau khi khỏi bệnh vẫn tái nhiễm. Đồng thời virus dễ xảy ra đột biến, xuất hiện các biến chủng mới khi lây nhiễm từ người này sang người khác.
"Virus thụ động, chúng không đủ thông minh mà đi tìm người để gây bệnh. Sự lây lan dịch bệnh là do sự chủ quan, lơ là của con người, nhất là bộ phận giới trẻ vì họ năng động, phải đi làm, học tập, gặp gỡ nhiều người...
Nguy cơ người trẻ nhiễm bệnh sau này ngày càng nhiều là điều khó tránh khỏi, nếu có suy nghĩ trên. Người dân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng và chống lây nhiễm COVID-19" - PGS Ngọc nói.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)