Theo công văn này, để đảm bảo việc vận hành an toàn công trình, an toàn cho hạ du sau khi tích nước trở lại hồ chứa thủy điện Sông Bung 2, UBND tỉnh giao các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung.
Theo đó, xây dựng kế hoạch hạ các cửa van cung để tích nước trở lại hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 đến mực nước dâng bình thường; báo cáo và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để thông báo đến tất cả nhân dân về kế hoạch và thời gian tích nước trở lại hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 để chủ động ứng phó trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Khẩn trương triển khai thực hiện đầu tư, khắc phục các tồn tại của dự án nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình và vùng hạ du đập; thường xuyên quan trắc, theo dõi tình trạng an toàn các hạng mục công trình thủy điện Sông Bung 2; quản lý vận hành thủy điện Sông Bung 2 tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập.
Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để thực hiện tốt công tác Phòng, chống thiên tai theo các quy định của pháp luật và các Phương án Phòng, chống lụt, bão, ứng phó thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt; tuyên truyền, phổ biến phương án ứng phó tình huống khẩn cấp cho nhân dân vùng hạ du chịu ảnh hưởng để chủ động trong công tác ứng phó thiên tai
“Thực hiện vận hành công trình theo đúng Quy trình vận hành được duyệt; đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu với lưu lượng xả thường xuyên sau đập không nhỏ hơn 1,0 m3/s”, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu.
Được biết, Dự án thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) được khởi công vào năm 2010. Tuy nhiên, sau khi tích nước vào năm 2016 thì xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn dòng, khiến 2 công nhân của một đơn vị thi công tử nạn, hư hỏng nhà cửa hoa màu của người dân dưới chân đập.
Theo Nghĩa Sơn - Chí Đại (Daidoanket.vn)