Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết từ khi sự việc sai phạm ở các trung tâm đăng kiểm xảy ra đến nay đã gần 5 tháng, sau Tết Nguyên đán, hàng loạt đơn vị đăng kiểm tiếp tục bị khám xét, khởi tố, bắt giữ.
Để khôi phục lại các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa vì sai phạm, Cục Đăng kiểm đã phải đầu tư lại máy móc, nâng cấp phần mềm và điều động đăng kiểm viên từ nơi khác về làm việc. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực đăng kiểm viên, nguy cơ đứt gãy dẫn tới đổ vỡ hệ thống đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành hiện hữu.
Ông An cho hay, việc thiếu hụt đăng kiểm viên đã khiến Cục Đăng kiểm Việt Nam phải sử dụng 12 đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú để vận hành lại 2 trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội là 29-01V và 29-06V.
Đại diện lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định việc sử dụng các nhân viên trên là đúng quy định pháp luật. Bởi chỉ khi có bản án có hiệu lực pháp luật của thì mới khẳng định được người đó có tội hay không, còn hiện nay tòa chưa tuyên án thì phải xem người lao động như công dân bình thường, chỉ bị hạn chế một số quyền.
Vậy việc cho các đăng kiểm viên đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại tiếp tục làm việc có đúng luật?
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo nguyên tắc suy đoán vô tội, không ai bị xem là có tội khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Vì vậy, các bị can bị khởi tố, truy tố trong các vụ án chưa bị coi là người phạm tội.
Vấn đề đặt ra là khi một người bị khởi tố, truy tố do có dấu hiệu vi phạm luật hình sự thì người sử dụng lao động có buộc phải cho thôi việc bị can đó không?
Luật sư Thanh cho rằng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can thì người sử dụng lao động có thể tạm hoãn hợp đồng lao động đối với người lao động là bị can bị tạm giam.
Bộ luật lao động quy định hợp đồng lao động chỉ bị chấm dứt khi người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm công việc cũ theo quyết định của tòa án.
Do đó, đối với bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, về nguyên tắc hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động vẫn còn hiệu lực nên người lao động vẫn có thể tiếp tục làm việc.
Do đó, một số nhân viên ở Cục Đăng kiểm dù đã bị khởi tố nhưng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì vẫn đi làm được.
Đồng quan điểm với luật sư Đỗ Ngọc Thanh, chia sẻ với VietNamNet, luật sư Hoàng Minh Hiển (Văn phòng luật sư Hoàng Minh Hiển) cho rằng: Đối chiếu các quy định của pháp luật, việc một số nhân viên của Cục Đăng kiểm bị khởi tố bị can mà không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam thì việc họ vẫn đi làm không vi phạm pháp luật.
Luật sư trích dẫn Điều 30 Bộ luật lao động hiện hành quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trong đó các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Điều 34 Bộ luật lao động cũng quy định, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động gồm: Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo, hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Người lao động bị tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Luật sư Hoàng Minh Hiển cũng trích dẫn Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về việc tạm đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm.
Theo đó, khi xét thấy việc bị can tiếp tục giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của bị can.
Còn theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật tuyên họ phạm tội. Họ bị khởi tố, chỉ bị hạn chế một số quyền, còn lại họ vẫn có các quyền của công dân trong đó có quyền lao động.
Các đăng kiểm viên phần lớn làm việc với tư cách là viên chức, một số làm việc theo hợp đồng lao động. Pháp luật về lao động không điều chỉnh dừng hợp đồng lao động với trường hợp bị khởi tố nhưng không bị bắt tạm giam.
Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ qui định về xử lý kỷ luật viên chức, nêu: “Các trường hợp chưa xem xét kỷ luật gồm: Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Theo đó, viên chức đã bị khởi tố nhưng chưa có bản án vẫn chưa bị xem xét kỷ luật. Họ được phép tiếp tục công việc và hưởng lương cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, đăng kiêm viên bị khởi tố đang tại ngoại được trở lại tiếp tục làm việc là phù hợp với các quy định pháp luật.
HL (Nguoiduatin.vn)