Công trình thủy điện Lai Châu, tỉnh Lai Châu là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà và gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Đây cũng là thủy điện lớn cuối cùng (công suất 1200MW) có thể xây dựng trên dòng sông Đà cũng như trên cả nước.
|
Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An (trái) báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc phát điện tổ máy số 1 thủy điện Lai Châu - Ảnh: Việt Hà |
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, thủy điện Lai Châu được Thủ tướng phê duyệt ngày 21-11-2011, dự kiến theo tiến độ sẽ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 3-2016 và hoàn thành công trình vào năm 2017.
Sau khi khởi công, ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến chủ đầu tư thiếu vốn liên tục trong các năm 2008-2011, các nhà thầu cũng thiếu vốn mua vật tư, vật liệu thi công. Tuy nhiên đến nay, tổ máy số 1 đã chính thức phát điện, sớm hơn 3 tháng.
Ông Thành khẳng định tổ máy số 2 và số 3 đang được lắp đặt thiết bị và theo tính toán, công trình thủy điện Lai Châu sẽ hoàn thành ngay trong năm 2016, sớm hơn một năm.
Theo ông Thành, thủy điện Lai Châu phát điện sớm góp phần quan trọng vào tổng công suất hệ thống điện. Việc đưa nhà máy vào vận hành sớm 3 tháng giúp tạo ra doanh thu 150 triệu USD, tiết kiệm hơn 1 triệu tấn than để sản xuất ra lượng điện năng tương đương.
Ông Đỗ Ngọc An - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định đến nay, công tác tái định cư cũng đã cơ bản hoàn thành xây dựng 8 khu, 17 điểm tái định cư tập trung. Khoảng 2.000 hộ với 8.400 nhân khẩu đã được bố trí di chuyển đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, ông An nhấn mạnh việc hoàn thành di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu mới chỉ là kết quả bước đầu, công tác tái định cư bền vững sau di chuyển “còn rất nặng nề” và đề nghị trung ương có chính sách hậu tái định cư.
Đã đào gần 15 triệu m3 đất đá Theo EVN, để thi công thủy điện Lai Châu, công nhân Việt Nam đã đào đất đá các loại tới 14,8 triệu m3, đắp 2,57 triệu m3 đất đá các loại, làm 3,6 triệu m3 bêtông các loại, cốt thép lên tới 49.000 tấn, khoan phụt xi măng 82.000 mét dài, lắp đặt thiết bị công nghệ hơn 30.000 tấn… |
Những thông số cơ bản của Thủy điện Lai Châu - Hồ chứa: Mực nước dâng bình thường 295m; Mực nước chết: 265m; Dung tích toàn bộ hồ chứa: 1,216 tỷ m3; Dung tích hữu ích: 799 triệu m3; - Nhà máy thuỷ điện có 3 tổ máy, công suất lắp máy 1.200MW, điện lượng trung bình nhiều năm 4,67 tỷ kWh. - Tổng mức đầu tư sau thuế 35.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của EVN chiếm 20%, còn lại 80% vốn vay thương mại trong, ngoài nước và vay tín dụng ưu đãi đầu tư.
|
>> EVN chính thức lên tiếng về sự cố lưới điện quốc gia trưa 2/9
>> Đóng điện đường dây vượt biển trên không đầu tiên
Theo C.V.Kình (Tuổi Trẻ)