Tại cuộc họp rà soát tiến độ công tác triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam sáng 22/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ, đặc biệt là Bộ Giao thông cần đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị, đảm bảo mục tiêu hoàn thành các đoạn, tuyến vào năm 2021.
Theo đó, Bộ Giao thông có trách nhiệm triển khai tốt công tác chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, không thất thoát, tiêu cực, đặc biệt bảo đảm các mốc tiến độ đã đề ra.
“Phải đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng, tiến độ”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Ông cũng chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông trong việc bố trí số lượng đường gom, quy mô, khẩu độ của các cống-hầm chui dân sinh theo đúng quy định; bảo đảm tiết kiệm trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Các bộ, ngành theo chức năng của mình phối hợp với Bộ Giao thông tháo gỡ những khó khăn hiện nay về thủ tục; bố trí nguồn vốn, giải ngân; phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư…
Trong tháng 6, các ban quản lý dự án đã trình Bộ Giao thông thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi một số dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam, dự kiến khởi công cuối năm nay.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi do Ban quản lý dự án Thăng Long trình, dự án Ninh Bình - Thanh Hóa, điểm đầu dự án tại nút giao với đường tỉnh 477, thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, điểm cuối tại xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Tuyến đường dài 63 km, đi qua các huyện Yên Mô, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) và các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa).
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, quy mô dự án giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng 6 làn xe, chiều rộng nền đường 32 m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Tuy nhiên, phân kỳ giai đoạn 1 (trước năm 2022) xây dựng quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tổng mức đầu tư khoảng 13.788 tỷ đồng, xây dựng khoảng 3 năm, thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 18 năm.
Đoạn Bình Thuận - Phan Thiết do Ban Quản lý dự án 7 lập báo cáo khả thi, dự kiến được Bộ Giao thông phê duyệt trong tháng 7.
Dự án này có điểm đầu tại Km 134, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; điểm cuối tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, Phan Thiết. Chiều dài xây dựng khoảng 101 km.
Dự án được đầu tư theo hình thức BOT và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 8.076 tỉ đồng gồm tiền giải phóng mặt bằng và kinh phí xây dựng. Giai đoạn 1 làm 4 làn xe, giai đoạn 2 mở rộng hoàn chỉnh 6 làn xe.
Báo cáo nghiên cứu khả thi đoạn Dầu Giây - Tân Phú theo hình thức BOT cũng đã được Ban Quản lý dự án Thăng Long trình Bộ Giao thông thẩm định.
Đoạn này có chiều dài khoảng 59 km, điểm đầu giao với quốc lộ 1 tại Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc xã Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao cắt với quốc lộ 20 thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Trong giai đoạn đầu có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 6.668 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, thời gian thực hiện đến năm 2022.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Trong 11 dự án có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách và 8 dự án huy động vốn xã hội hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án nêu trên khoảng 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư. Quốc hội đã yêu cầu các dự án cơ bản hoàn thành năm 2021.
Theo Đoàn Loan (VnExpress.net)