Gần đây, các chủ tàu bán hàng rong tự đánh đắm để đối phó với lực lượng tuần tra vịnh Hạ Long khỏi bị tịch thu phương tiện và phạt hành chính.
Việc này khiến lực lượng chức năng khó xử lý vì không có phương tiện trục vớt đi theo.
Sáng 5/1, Phó ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh cho rằng, việc xử lý những tàu vi phạm tự đánh đắm rất khó, vì thu giữ phương tiện và xử lý thuộc thẩm quyền của UBND TP Hạ Long.
Còn theo Đội trưởng đội kiểm tra xử lý vi phạm vịnh Hạ Long Lê Trọng Việt, các tàu bán hàng rong cập mạn tàu du lịch thường là tàu gỗ loại nhỏ, thô sơ có gắn động cơ. Những tàu này đều có một lỗ thông xuống nước dưới đáy được chèn chặt. Khi chạy đến khu vực núi đá, nơi có mực nước thấp, chủ tàu sẽ giật dây để nút chèn bung ra nhằm tự đánh đắm tàu của mình.
Tàu bị bắt "chất đống" không ai đến nhận
Đơn cử ngày 3/1, tổ công tác liên ngành của TP Hạ Long phát hiện một tàu bán hàng rong đang cập vào mạn tàu du lịch để chèo kéo khách mua hàng. Lực lượng chức năng đi tới thì tàu này tháo dây rồi bỏ chạy tới khu vực gần núi đá rồi đánh đắm, chủ tàu đã kịp leo lên khu vực cao để liên hệ tàu khác tới đón, hàng hoá nổi lềnh phềnh trên vịnh.
“Khu vực tàu hay tự đánh đắm là khu trung tâm 1, những tàu sau khi đánh đắm thì chúng tôi không biết xử lý sao nữa khi thẩm quyền chỉ là phối hợp kiểm tra”, ông Việt nói.
Anh H.B.K (36 tuổi, trú TX Quảng Yên, chủ một tàu bán hàng rong) cho rằng, tất cả những người theo nghề này đều chỉ sắm những chiếc tàu sơ sài, việc chịu tự đánh đắm cũng đã xác định hỏng đến 80%, ai có nhu cầu trục vớt thì sẽ đợi thời điểm thích hợp.
“Tiền nộp phạt hành chính chắc còn nhiều hơn tiền sửa tàu nên họ chịu chấp nhận đánh đắm, hàng thì mỗi lần mang một ít nên cũng không tiếc lắm”, anh K. cho hay.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long Hồ Quang Huy, hiện chưa rõ mức phạt của những tàu vi phạm vì còn phải tuỳ vào lỗi vi phạm như thế nào.
“Tại UBND TP Hạ Long đang tạm giữ gần 10 tàu bán hàng rong nhưng không có chủ tàu nào đến làm việc”, lời ông Huy.
Theo Phạm Công (VietNamNet)