Chiến dịch giành lại vỉa hè tại Hà Nội: Chợ tạm chạy vào ngõ

14/04/2017 07:51:00

Sau hơn 1 tháng ra quân xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè, hàng rong, chợ tạm tại Hà Nội đã đua nhau chạy vào các ngõ phố. Chợ tạm vẫn nhộn nhịp trong khi đó chợ chính miễn cả tiền thuê mặt bằng vẫn vắng người…

Sau hơn 1 tháng ra quân xử lý vi phạm lòng đường, vỉa hè, hàng rong, chợ tạm tại Hà Nội đã đua nhau chạy vào các ngõ phố. Chợ tạm vẫn nhộn nhịp trong khi đó chợ chính miễn cả tiền thuê mặt bằng vẫn vắng người…
 
Dù miễn phí thuê ki ốt nhưng nhiều người vẫn bán rong, vẫn bán ở các chợ cóc.

Miễn tiền thuê mặt bằng 3 tháng

Nhằm tạo điều kiện cho các hộ bán hàng rong trên các tuyến đường sau khi giải tỏa trong chiến dịch giành lại vỉa hè, UBND quận Thanh Xuân đã bố trí, sắp xếp các vị trí, địa điểm kinh doanh cho các hộ có nhu cầu vào chợ Thanh Xuân Bắc với việc miễn phí tiền thuê ki ốt trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, theo ghi nhận chỉ có lác đác vài người bán rong dọn hàng vào chợ. Khu vực dành cho người bán hàng rong rộng hơn 100 m2, nhưng hiện có rất ít hộ kinh doanh.

Theo các tiểu thương chợ Thanh Xuân Bắc, hàng rong, chợ cóc “mọc” nhiều khiến việc kinh doanh trong chợ mới, chợ dân sinh ế ẩm. Bà Lan, một tiểu thương thuê ki ốt trong chợ bán rau cũng bất đắc dĩ phải bỏ ki ốt để ra đường bán cùng với hàng rong. “Nhiều hàng rong khiến việc buôn bán của tiểu thương trong chợ gặp nhiều khó khăn. Tôi chuyển ra ngoài buôn bán vì trong chợ ế ẩm, trong khi đã đóng 20 triệu đồng để thuê ki ốt trong chợ 4 năm”, bà Lan kể.

Những người bán hàng rong trước cổng chợ Thanh Xuân Bắc cho biết, dù được miễn phí thuê ki ốt cũng không vào chợ bởi buôn bán ngoài đường tiện hơn, chuyển vào trong chợ sẽ không có khách: “Tôi bán hoa quả theo thời vụ, vào chợ sẽ không có khách và cũng không cạnh tranh được với những hàng khác. Hơn nữa hết 3 tháng miễn phí tiền thuê ki ốt thì việc kinh doanh có đủ để đóng tiền ki ốt không, nên có ép vào chợ tôi cũng không vào”, một người bán rong nói.

Theo Ban quản lý chợ Thanh Xuân Bắc, kế hoạch sắp xếp miễn phí cho người bán hàng rong vào chợ buôn bán có từ năm ngoái và đến nay mọi công tác đều đã hoàn tất. Có khoảng 60 ki ốt dành cho người bán hàng rong vào chợ buôn bán. Nếu số lượng người đăng ký vượt quá số ô, quầy, chợ sẽ dành tiếp không gian khoảng 200m2 tại tầng 1 của tòa nhà Trung tâm dịch vụ phục vụ các tiểu thương. Nhưng hiện tại chỉ có vài hộ đến đăng ký vào chợ buôn bán. Trong khi đó, quanh các tuyến đường gần chợ Thanh Xuân Bắc, như khu vực vỉa hè đường Nguyễn Quý Đức, cổng Bệnh viện Xây dựng, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, khu KTX Mễ Trì..., chợ cóc vẫn tấp nập người mua bán.

Chợ cóc ở thôn Trù 1, Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) lâu nay họp ngay bên đường ray tàu hoả. Khu chợ cóc rộng lớn buôn bán từ sáng tới tối. Trong khi đó, khu chợ chính thôn Trù chỉ cách khu chợ cóc chưa đến 200m, hàng ngày các tiểu thương nơi đây phải cạnh tranh với dân bán hàng rong, với chợ cóc. Tương tự, khu chợ cóc Vĩnh Hồ hay chợ cóc xung quanh khu chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) vẫn nhộn nhịp.

Không kết hợp trung tâm thương mại với chợ dân sinh

Bà Phạm Thị Thanh Mai, trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội cho rằng, chợ cóc vẫn “sống khỏe” ngoài việc do thói quen của người tiêu dùng, một phần cũng do thực tế việc lập, quy hoạch mạng lưới chợ và công tác quản lý còn nhiều bất cập. Theo bà Mai, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội vừa tiến hành giám sát về tình hình quản lý, hoạt động một số chợ trên địa bàn thành phố. Hiện nay, trên địa bàn có 454 chợ hoạt động với hơn 90.000 hộ kinh doanh, chủ yếu theo hình thức chợ truyền thống, chợ dân sinh. Nhưng qua giám sát cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong việc quy hoạch và quản lý. 

Đơn cử, Hoàng Mai dù là một quận lớn nhưng hiện nhiều khu vực không có chợ dân sinh như phường Hoàng Liệt, Tân Mai, Tương Mai…, hoặc có chợ song chưa cập nhật, bổ sung quy hoạch nên chưa thực hiện phân hạng chợ. Trong 61 chợ chưa phân hạng thì có 24 chợ không nằm trong quy hoạch. “Một số quận huyện chưa quyết liệt giải toả chợ cóc, sắp xếp chợ tạm. Việc giải toả chợ cóc, sắp xếp chợ chưa gắn với quản lý trật tự, văn minh đô thị, chưa đạt kế hoạch đề ra, có phát sinh điểm mới…”, kết quả giám sát nêu.

Một trong các kiến nghị của HĐND TP Hà Nội qua kết quả giám sát là không đầu tư xây dựng chợ dân sinh kết hợp trung tâm thương mại như mô hình vừa qua, phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, xây dựng chợ. Đồng thời, sớm phê duyệt kế hoạch, lộ trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Lý giải việc kiến nghị không xây chợ dân sinh kết hợp thương mại, một vị cán bộ cho biết, vì hiện mô hình này hoạt động không hiệu quả.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Hà Nội dứt khoát không để tồn tại chợ cóc trên địa bàn. Để làm được việc này, cần đồng hành tuyên truyền, vận động người dân không mua thực phẩm từ chợ cóc, kết hợp với kế hoạch bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè, không vì lợi ích của một nhóm người mà gây hậu quả lớn cho xã hội”. 

Theo T.Anh (Tiền Phong)

Nổi bật