Chiếc kiềng bạc giúp người phụ nữ Đà Nẵng đoàn tụ với 9 anh em, hé lộ câu chuyện đau lòng 48 năm trước

10/09/2023 10:07:17

Ham chơi nên đi lạc, gần nửa thế kỷ sau, chị Kiều Loan mới được trở về trong vòng tay yêu thương của 9 anh em ruột thịt.

Cô bé đeo kiềng bạc đi lạc, ai cũng muốn nhận nuôi

Mọi chuyện bắt đầu từ một buổi chiều định mệnh năm 1975, trước giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước khoảng 2-3 ngày. Chị Nguyễn Thị Kiều Loan (ở Đà Nẵng) khi đó mới là cô bé khoảng 4 tuổi, đi cùng một người chị gái, bồng theo một đứa em nhỏ sang nhà hàng xóm chơi. Đến giờ chị gái kêu về, vì còn mải chơi nên Loan đáp: “Chị về trước đi, xíu nữa em về”.

Chơi chán, cô bé 4 tuổi tìm đường về nhưng bối rối, hoang mang vì thấy nhà nào cũng giống hệt nhau. Lạc mất chị, cô bé Loan khóc òa khiến rất đông người dân ở khu vực chợ Hàn gần đó túm tụm lại xem.

Chiếc kiềng bạc giúp người phụ nữ Đà Nẵng đoàn tụ với 9 anh em, hé lộ câu chuyện đau lòng 48 năm trước
Chị Kiều Loan thất lạc gia đình năm 1975

Lúc đi lạc, chị Loan đeo một chiếc kiềng bằng bạc trên cổ. Nhiều người bấm bụng bảo nhau: “Chắc con bé nhà khá giả, tau bồng về để người ta chuộc cho rồi”. Ai cũng đòi ôm, đòi bế nhưng cô bé 4 tuổi không chịu. Đến khi có một người phụ nữ cầm theo túi kẹo hỏi có muồn về với mẹ không, chị Loan mới đồng ý đi theo.

Người phụ nữ ôm chị Loan về Hòa Mỹ (Đà Nẵng) cách điểm thất lạc khoảng 2-3km. Từ ngày đó, chị sống với mẹ nuôi nhưng trong tim vẫn không bao giờ quên được ký ức buồn.

48 năm qua, chị Loan vẫn không ngừng tìm kiếm lại cội nguồn. Cô bé năm nào nay đã trở thành người phụ nữ hơn 50 tuổi, có gia đình riêng và một người chồng hết mực yêu thương. Gia đình nhận nuôi chị Loan có đông con, mẹ nuôi sau đó đã mất, chị được gửi sang một gia đình khác rồi sống yên bình từ ngày đó đến giờ.

Mỗi năm cứ gần đến ngày giải phóng miền Nam, chị Loan lại cùng chồng đi dọc khắp bên chợ Hàn năm xưa, tìm xem có dãy nhà nào giống nhau không. Thậm chí chị còn gửi hồ sơ tới chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, nhưng thông tin vẫn hoàn toàn mịt mờ.

Chiếc kiềng bạc giúp người phụ nữ Đà Nẵng đoàn tụ với 9 anh em, hé lộ câu chuyện đau lòng 48 năm trước - 1
Chị Loan tìm về địa điểm năm xưa đi lạc

Lục lọi lại trí nhớ, chị Loan kể: “Tôi không hình dung ra dãy nhà đó ra sao, cũng không biết nhà mình mới chuyển đến hay ở đó lâu rồi. Mỗi lần tôi hay đau ốm, có một bác sĩ hay xách cái thùng đựng kim tiêm tới nhà chích thuốc.

Thời đó tôi còn đeo một chiếc kiềng bằng bạc rất to. Tên của tôi có vần ương, có thể là Phương, hoặc Hương, sau được mẹ nuôi đổi lại là Loan. Còn chị gái tôi hình như tên Thu”.

Ngày 18/7, cách đây khoảng gần 2 tháng, chị Loan đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội và kênh Youtube, hy vọng tìm được manh mối.

“Nhờ cộng đồng mạng chia sẻ giúp giùm tôi. Có ai biết được thông tin gia đình tôi, tôi xin hậu tạ 50 triệu”, chị Loan cho hay.

Điều tiếc nuối sau 48 năm

Chỉ vài ngày sau khi đăng tải, chị Loan bất ngờ nhận được cuộc gọi kết nối tới một người đàn ông đang sống ở bên Mỹ - tên Nguyễn Xuân Hoàng. Thật tình cờ, vợ của anh Hoàng sau khi xem được đoạn clip có linh cảm người phụ nữ ở Đà Nẵng chính là em dâu mà gia đình đang tìm kiếm bao lâu nay. Và định mệnh dẫn lối, những bí mật về cuộc đời chị Loan ở Việt Nam năm xưa được lật mở. Mọi thông tin phía anh Hoàng cung cấp, đều trùng khớp với thông tin, hoàn cảnh của chị Loan tới lạ.

Chiếc kiềng bạc giúp người phụ nữ Đà Nẵng đoàn tụ với 9 anh em, hé lộ câu chuyện đau lòng 48 năm trước - 2
Cuộc đối chứng với anh Xuân Hoàng - hiện sống ở Mỹ

Anh Hoàng kể, năm 1975, bố mẹ anh cùng 10 người con từ xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, Huế chạy vào Đà Nẵng. Cả gia đình tạm trú tại trường PT cấp 1, 2 Nguyễn Trường Tộ (hiện là THCS Tây Sơn, ở phường Hải Châu, TP. Đà Nẵng). Mỗi gia đình được phân ở 1 phòng học trong trường.

Trước 2 ngày Giải phóng miền Nam, bé Hương (em gái) đã theo anh chị đi xuống tầng lầu chơi rồi thất lạc.

“Bé Hương đeo một cái kiềng bằng bạc. Nhìn khuôn mặt của Hương giống anh em trong nhà lắm. Mẹ tôi tìm em mấy tháng trời ở Đà Nẵng. Giải phóng xong, cha tôi và các anh em đi khắp nơi kiếm Hương”, anh Hoàng vẫn trìu mến gọi em gái năm xưa bằng “bé”.

Những thói quen của bé Hương từ nhỏ như thích ngậm ngón tay cái, sợ bị chích thuốc..., anh Hoàng đều nhớ như in. Chi tiết đặc biệt này cũng trùng khớp trong ký ức của chị Kim Loan.

“Hồi xưa ông già hay bồng Hương lắm. Hương sinh năm 1971, là em gái thứ 7, ngoài ra còn có chị Phương, Xuân, Hoa… Ba tôi khi xưa là chủ tịch xã, có chiếc xe Honda Dame. Ba hay chở Hương đằng trước, em sợ nên không chịu đi”, anh Hoàng thuật lại.

Chiếc kiềng bạc giúp người phụ nữ Đà Nẵng đoàn tụ với 9 anh em, hé lộ câu chuyện đau lòng 48 năm trước - 3
Chị Loan trùng phùng bên người thân sau 48 năm

Sau ngày giải phóng, mẹ anh Hoàng trở về Huế, còn cha anh vẫn lang thang đi khắp Đà Nẵng tìm tung tích con gái. Có một đợt, ông nghe phong thanh thông tin của một cô gái có hoàn cảnh thất lạc trùng hợp, nhưng rồi mọi chuyện vẫn không đi đến đâu…

“Me tôi bảo: không phải Hương đâu, mẹ nhớ dữ lắm. Mẹ con mà gặp nhau đương nhiên sẽ biết liền. Lạc mất con mẹ đi đâu cũng chảy nước mắt. Dù đông con, có 10 đứa nhưng mất 1 đứa cũng như mất khúc ruột. Mẹ khóc rồi đổ bệnh. Cha tôi bảo, để tìm con mà tiêu tán hết tiền hết bạc, nhưng dù đi đâu cũng phải kiếm Hương bằng được”, anh Hoàng kể.

Cha mẹ mất, 9 anh em trong gia đình anh Hoàng yên bề gia thất và cùng gia đình sinh sống ở các tỉnh Huế, Sài Gòn, Quảng Ngãi và cả Đà Nẵng. Năm 2015, anh Hoàng qua Mỹ xây dựng tổ ấm.

Sau cuộc đối chứng cách xa nửa vòng trái đất, chị Kim Loan và các anh em trong gia đình đã quyết định xét nghiệm ADN. Họ vỡ òa khi nhận được kết quả vào một ngày thu đầu tháng 8/2023.

Chị Loan, hay từ giờ còn được biết với tên gọi là Hương - đã trở về trong vòng tay yêu thương của 9 anh em ruột thịt và họ hàng. Thế nhưng điều tiếc nuối nhất đối với người phụ nữ 52 tuổi là chị đã không kịp gặp đấng sinh thành của mình lần cuối.

Chiếc kiềng bạc giúp người phụ nữ Đà Nẵng đoàn tụ với 9 anh em, hé lộ câu chuyện đau lòng 48 năm trước - 4
Bữa tiệc chào đón người em gái trở về

Trong bữa tiệc trùng phùng ngập tràn niềm vui, chị Loan xúc động nhìn lên bàn thờ cha mẹ, thắp một nén hương.

Chị gửi lời nhắn nhủ tới mọi người: “Tôi xin cảm ơn cộng đồng trong nước và ngoài nước, kênh Youtube Tuấn Vỹ, cảm ơn chồng và con đã luôn bên cạnh tôi. Cảm ơn các anh chị em đã tổ chức sinh nhật cho em. Rất hạnh phúc, gặp được mọi người em không diễn tả nổi cảm xúc. Cứ ngỡ như trong giấc mơ”.

Theo Thùy Tiên (Phụ Nữ Số)

Nổi bật