Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trả lời các câu hỏi của cử tri. |
Phát biểu tại buổi tiếp xúc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM vào chiều 28/11, cử tri Dương Minh Châu (ngụ quận 7) cho biết, ông cảm thấy có sự "phân biệt đối xử" giữa giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo ông Châu, thời gian qua, nhà nước tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống đường giao thông cả nước. Nhờ thế, mạng lưới giao thông được xây dựng hàng ngày, hàng giờ, thay da đổi thịt. Tuy nhiên, việc đầu tư giao thông đang trong tình trạng... "nhất bên trọng, nhất bên khinh".
Nếu như đường bộ được xem trọng thì bên cạnh đó, hệ thống đường sắt quốc gia chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Từ thời Pháp thuộc đến nay, gần 1 thế kỷ nhưng hệ thống đường sắt Bắc - Nam không thay đổi; toa xe, nhà ga, không có chút gì gọi là đổi mới.
Mới đây, nhà nước đầu tư xây 2 hầm qua đèo Hải Vân và đèo Cả để đường sắt qua là thay đổi đáng chú ý nhất.
Từ những lập luận trên, ông Châu đặt câu hỏi: Có phải đường sắt không có những ưu điểm vượt trội đối với đường bộ nên bị xem thường?
Ông Châu khẳng định: "Tôi nói đường sắt có nhiều cái lợi mà đường bộ nằm mơ cũng không có. Lợi nhất là an toàn gần như tuyệt đối. Giảm áp lực đường bộ, giảm tai nạn giao thông, giảm hao mòn của đường bộ, giảm ảnh hưởng môi trường sống của chúng ta...".
Cử tri này cũng cho biết, đường sắt có khả năng vận tải một khối lượng lớn, tiết kiệm nhiên liệu từ 50-70% so với cùng khối lượng vận tải đường bộ. Đất nước ta có chiều dài trên 2.000 km nên vận chuyển đường sắt có lợi nhưng thực tế không được phát triển.
"Quốc hội cần quan tâm đến đường sắt. Hãy nâng cấp đường sắt thành đường cấp 1. Tạo cơ chế đặc thù để huy động vốn nâng cấp đường sắt", ông Châu đề nghị.
Trả lời thắc mắc của cử tri, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM cho biết, việc phát triển giao thông đường sắt, cách đây vài năm Quốc hội có đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, sau khi xem xét tất cả các điều kiện thì thấy chưa phải thời điểm chín muồi nên chưa thông qua đề án.
Ông Nhân cũng cho biết, đường sắt ở Việt Nam là "độc nhất vô nhị" với thế giới khi chỉ có 1m chiều ngang. Trong khi đó, ở các nước, đường sắt có chiều ngang từ 2-6m. Đơn cử, ở Nhật Bản tốc độ đường sắt cao, chỉ chở hàng, không chở người.
Nhìn lại thực tế ở Việt Nam, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phát triển giao thông đường sắt... cực kỳ khó khăn.
"Nếu phát triển giao thông đường sắt thì phải có 2 tuyến song song chở hàng và chở người. Rồi lại phải mở rộng phạm vi chiều ngang dọc toàn tuyến. Không phải chúng ta không muốn làm mà điều kiện nó không cho phép. Trong ngân sách có hạn, cái nào khả thi thì làm trước", ông Nhân nói.
Theo Công Quang-Ảnh: Nguyễn Quang (Dân Trí)