Các buồng vệ sinh tàu hỏa dù đã lắp đặt thiết bị xử lý chất thải ngăn mùi hôi nhưng tàu hỏa vẫn bốc mùi nồng nặc.
Không ngăn được mùi
Dự án trên chia làm 3 gói thầu, sử dụng 2 loại thiết bị là Biofast của Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech (thiết bị Petech) và thiết bị BIO-Toilet D50S (thiết bị Chodai của Công ty Chodai Co., Ltd - Nhật Bản) cho 821 toa xe. Trong đó, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn có 347 toa xe được lắp đặt các thiết bị trên, số còn lại thuộc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 3 tháng đưa vào khai thác, 2 thiết bị trên đều bộc lộ nhiều khiếm khuyết, không hiệu quả trong việc ngăn mùi hôi.
Việc bảo đảm vệ sinh trên tàu dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế |
Nghiêm trọng là thiết bị Chodai bởi có nhiều nhược điểm là thường xuyên bốc mùi hôi thối, ngập nước trong thùng chứa, hoạt động không ổn định... Cấu tạo của thiết bị này cũng gây hạn chế cho hành khách sử dụng như đối tượng là người nước ngoài bởi chiều cao thấp hoặc trẻ em do miệng bệ ngồi quá rộng... Đặc biệt, loại bồn cầu sử dụng thiết bị Chodai có đặc điểm là không dùng nước nhưng do thói quen của nhiều hành khách vẫn dội nước vào khi vệ sinh xong, dễ gây cháy mô-tơ ở phía dưới. Ngược lại, thiết bị này còn có nhiều hạn chế là nếu quá khô cũng có thể gây cháy, còn ẩm ướt lại khó phân hủy các chất thải...
Theo Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, dù đã thực hiện nhiều biện pháp khắc phục nhưng thiết bị Chodai vẫn phát sinh mùi hôi, gây bực bội cho hành khách đi tàu. Thậm chí, nhiều trường hợp nhân viên tàu phải đóng cửa buồng vệ sinh, không cho sử dụng nhằm hạn chế mùi hôi thối bốc lên. Tình trạng này cũng tương tự với các toa tàu của Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội lắp đặt thiết bị Chodai.
Đại diện Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết những vấn đề trên làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ khách và đã có nhiều hành khách phản ứng, không hài lòng. Nhiều trường hợp, Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn phải báo cho đơn vị cung cấp thiết bị đến sửa chữa, khắc phục (do đang trong thời gian bảo hành) nhưng rồi vẫn đâu vào đó.
Trong khi đó, dù ít hơn nhưng thiết bị còn lại của dự án là Petech trên các toa xe cũng xảy ra nhiều sự cố như bốc mùi, hỏng bộ cảm biến, hao nước... Hiện những thiết bị có sự cố đang được Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech khắc phục.
"Bấm bụng" thay thế
Tháng 2-2017, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn có văn bản đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho tháo bỏ toàn bộ thiết bị vệ sinh tự hoại Chodai đang lắp đặt ở tất cả toa tàu khách do công ty quản lý, thay thế bằng thiết bị khác phù hợp. Riêng thiết bị vệ sinh Biofast 3G, đơn vị này phối hợp Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech khảo sát, thiết kế và lắp đặt thay thế ở một số toa xe.
Tại một cuộc họp ngày 9-8, lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã có kết luận về thiết bị Chodai trên các toa xe của Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội. Theo đó phải xem xét lại từng toa để có phương án cải tạo những toa vận dụng nhiều, mang lại hiệu quả. Đồng thời, đơn vị này vẫn phải tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản để sẵn sàng tiếp nhận đưa vào sổ sách khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Trước mắt, biện pháp đưa ra là ban đầu máy toa xe chủ trì phối hợp với Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội, Công ty Chodai Co,. Ltd khảo sát cụ thể từng toa để đưa ra giải pháp khắc phục, trong đó có thể chọn cụ thể một số buồng vệ sinh để xử lý mùi hôi, đánh giá kết quả.
Với Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn, đề xuất thay thiết bị vệ sinh tự hoại Chodai cũng chưa được chấp thuận và hiện thiết bị này vẫn còn là tài sản của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Một cán bộ ngành đường sắt cho biết hiện phía Công ty Chodai
Co,. Ltd đang tiếp tục nghiên cứu, có đánh giá cụ thể về thiết bị trên, bao gồm thiết kế, mức độ không ngăn được mùi... để có phương án khắc phục.
Một tiếp viên thuộc ngành đường sắt nói thiết bị Chodai dùng công nghệ xử lý chất thải dạng khô, không dùng nước nhưng phía dưới lại không có phần nắp ngăn, khiến mùi hôi liên tục bốc ngược lên. Trước phản ứng của nhiều khách đi tàu, đơn vị quản lý đành phải "bấm bụng" tháo thiết bị này thay bằng loại khác hoặc các thiết bị vốn đang sử dụng hiện nay là Petech và Microphor.
Ám ảnh mùi hôi trên tàu Cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu nhưng đường sắt vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, việc đáp ứng nhu cầu đi lại, nhất là dịch vụ, vệ sinh trên tàu vẫn còn nhiều hạn chế. Đã trực tiếp có mặt trên một số đoàn tàu Bắc - Nam, chúng tôi ghi nhận dù ở khoang cao cấp giường nằm hay ghế ngồi, nhiều hành khách vẫn phải bịt khẩu trang kín mít để tránh mùi hôi. Có không ít nhà vệ sinh trên các toa không có giấy vệ sinh, hôi bẩn... và vốn đã chật hẹp càng hẹp hơn khi bên trong có thêm các thùng rác, những chồng ghế nhựa, xô chậu... Tại những toa xe ghế ngồi cứng, người đi tàu nằm la liệt trên hành lang, dưới gầm ghế... kế bên là đủ loại hàng hóa, thức ăn. "Đi máy bay thì đắt đỏ, còn xe khách thì bị say xe nên tôi đành phải đi tàu nhưng mỗi lần đi là mỗi lần ám ảnh bởi mùi hôi" - chị Đặng Thị Tuyết (quê Thanh Hóa) nói. |
Theo Gia Minh (Nld.com.vn)