Chi tiết tiêu chuẩn, quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội

02/05/2024 20:29:34

Chức danh Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ.

Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định, chức danh Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu, trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tiêu chuẩn để Ủy ban thường vụ Quốc hội căn cứ lựa chọn danh sách đề cử chức danh Chủ tịch Quốc hội được thực hiện theo Quy định 214-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Chi tiết tiêu chuẩn, quy trình bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội
Chức danh Chủ tịch Quốc hội do Quốc hội bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín (Ảnh minh họa)

Đối với chức danh Chủ tịch Quốc hội, ngoài các tiêu chuẩn chung về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; trình độ; năng lực và uy tín; sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm, Quy định 214 cũng quy định tiêu chuẩn riêng.

Cụ thể, chức danh Chủ tịch Quốc hội phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:

Có uy tín cao, là trung tâm đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng, trong Quốc hội và nhân dân.

Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trong việc chỉ đạo thể chế hoá đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

Quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội

Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022 quy định cụ thể về quy trình bầu Chủ tịch Quốc hội:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội khóa trước có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử (nếu có).

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu, kết quả biểu quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước trình Quốc hội dự thảo nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội thảo luận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.

Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết

Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.

Tại các kỳ họp sau kỳ họp thứ nhất, trường hợp cần thiết, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự quy định như trên.

Chiều 2/5, Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV đã diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, để thực hiện các nội dung:

Xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng;

Xem xét việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Sau khi nghe trình bày các Tờ trình, ý kiến phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín và thông qua:

Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Vương Đình Huệ;

Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn Thái.

Cũng trong ngày 2/5, Tổng Thư ký Quốc hội ban hành thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi kiện toàn được chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV theo quy định.

Theo Luân Dũng (Tiền Phong)

Nổi bật