Biết con dâu mắc bệnh, mẹ chồng đưa ra 1 yêu cầu với con trai: Người con dâu bật khóc, suy sụp khi kể lại

04/04/2025 21:12:25

Bác sĩ Nguyễn Duy Anh (Bệnh viện Đa khoa Phương Đông) mới đây chia sẻ câu chuyện về 1 cặp vợ chồng trẻ đi khám vì kết hôn đã lâu không có con.

Trong hơn 10 năm khám và điều trị cho bệnh nhân ung thư, ThS.BS. Nguyễn Duy Anh – Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc tế (Bệnh viện Đa khoa Phương Đông) – cho biết anh đã chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng. Một trong số đó là trường hợp của cặp đôi trẻ, người vợ 25 tuổi, chồng 29 tuổi.

Theo bác sĩ Duy Anh, cặp vợ chồng này đã kết hôn được 3 năm nhưng chưa có con. Do chồng là con một nên gia đình thường xuyên gây áp lực. Thậm chí, mẹ chồng còn bắt hai vợ chồng uống rất nhiều loại thuốc bổ, đi xin con, xem bói khắp nơi với hy vọng nhanh có cháu.

Sau khi uống thuốc bổ, đi xin con ở nhiều nơi không có kết quả, hai vợ chồng đã đi khám. Kết quả khám của chồng bình thường nhưng người vợ bị lộ tuyến cổ tử cung viêm âm đạo. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được cho thuốc đặt và uống để kích trứng.

Để nhanh chóng mang thai, hai vợ chồng đã quyết định làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Tuy nhiên, khi khám chuyên sâu, bác sĩ kiểm tra tử cung của người vợ và phát hiện có tổn thương. Người vợ được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô vảy.

Hai vợ chồng bệnh nhân đã tìm gặp bác sĩ Duy Anh để khám chuyên sâu về ung bướu với hy vọng thông tin trên không phải là sự thật.

Bác sĩ Duy Anh đã chỉ định cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ tiểu khung kèm chụp CT ngực -bụng. Kết quả cho thấy người vợ dù chưa có di căn nhưng khối u cổ tử cung lan rộng tại chỗ, được chẩn đoán ung thư ở giai đoạn IIb.

Kết quả xét nghiệm cho thấy người vợ nhiễm HPV - là một yếu tố gây bệnh - nhưng không theo dõi sức khỏe bộ phận sinh sản định kỳ.

Biết con dâu mắc bệnh, mẹ chồng đưa ra 1 yêu cầu với con trai: Người con dâu bật khóc, suy sụp khi kể lại
Người vợ bật khóc khi bác sĩ thông báo thông tin mắc ung thư và rất khó để làm mẹ. (Ảnh: BSCC)

Khi bác sĩ thông báo mắc ung thư, nữ bệnh nhân đã suy sụp. Cặp vợ chồng trẻ cũng tâm sự thêm với bác sĩ rằng ngoài áp lực bệnh tật, cả hai còn chịu áp lực lớn từ gia đình.

Khi biết nguyên nhân hai vợ chồng mãi không có con là do người vợ, nhiều lần người mẹ đã bắt con trai bỏ vợ. Bà cần có cháu để nối dõi, thờ tự về sau, bác sĩ Duy Anh chia sẻ lại.

Với trường hợp bệnh nhân nữ 25 tuổi này, hướng điều trị sẽ ưu tiên điều trị hóa xạ trị đồng thời.

Theo bác sĩ Duy Anh, việc chiếu tia xạ vùng tiểu khung ở nữ giới sẽ có ảnh hưởng nhất định tới việc thụ thai sau này. Bởi ống cổ tử cung bị tổn thương, tinh trùng sẽ không bơi vào gặp trứng theo đường tự nhiên được.

Ngay cả việc làm IVF thì việc chuyển phôi vào buồng tử cung cũng sẽ gặp khó khăn.

Bác sĩ Duy Anh cho biết, nếu bệnh nhân không chọn hóa xạ trị thì sẽ phải điều trị phẫu thuật, cắt toàn bộ tử cung. Trong trường hợp này, bệnh nhân chắc chắn không thể mang thai nữa.

“Khi nghe bác sĩ phân tích, người vợ không kìm được nỗi đau và bật khóc nức nở dù tôi đã hết sức động viên”, bác sĩ Duy Anh chia sẻ.

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Theo thống kê từ Globocan 2022, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 6.200 ca ung thư liên quan đến HPV, trong đó hơn 2.500 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ và có mức độ nguy hiểm cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Duy Anh, ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa bằng cách:

- Tiêm vắc xin HPV để giảm nguy cơ mắc bệnh;

- Tầm soát định kỳ (Pap smear, HPV test) giúp phát hiện tổn thương tiền ung thư và điều trị sớm. Nếu phát hiện sớm (giai đoạn 1), tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân có thể lên tới 90%.

Bác sĩ Duy Anh nhắn nhủ, chị em phụ nữ nên quan tâm tới sức khoẻ, cần đi khám định kỳ để phát hiện bất thường sớm, giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh.

Theo Ngọc Minh (nguoiduatin.vn)