Chi 50.000 đồng một ngày, phụ huynh trường Ban Mai tố bữa ăn nghèo nàn

19/04/2018 17:37:26

Một số phụ huynh trường Tiểu học Ban Mai, Hà Nội, bức xúc vì bữa ăn trưa của con đạm bạc. Họ cũng đặt nhiều câu hỏi về việc chi tiêu tiền ăn 50.000 đồng/ngày của trường.

Ngày 13/4, trang fanpage dành cho phụ huynh, thành viên T.T.L đăng tải hình ảnh suất bún nem Hà Nội dành cho khối tiểu học của Hệ thống giáo dục Ban Mai (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) với tựa đề: “Bữa ăn cải thiện cuối tuần của các con đã đầy đặn và đủ chất hay chưa?".

Bữa trưa gây tranh cãi

Nhiều phụ huynh cho rằng khay bún - bữa ăn ngày 13/4 - của học sinh nghèo nàn cả về chất lượng lẫn số lượng.

Một phụ huynh miêu tả: Các bạn nhỏ khối lớp 1 và 2 có 2 cái nem; lớp 3 có từ 2,5 đến 3 cái; lớp 4, 5 có 3 cái. Nem rán trong tình trạng tiết kiệm mỡ nên cháy nhưng vẫn trắng, thêm tí nước mắm trong veo vừa chấm nem vừa chan bún.

“Nhìn khay bún, tôi có cảm giác còn không bằng suất ăn từ thiện, huống chi mỗi ngày phụ huynh phải nộp 50.000 đồng. Liệu có ông bố, bà mẹ nào cầm lòng khi thấy con mình được chăm sóc 'chu đáo' như này không?”, người này bức xúc.

Chi 50.000 đồng một ngày, phụ huynh trường Ban Mai tố bữa ăn nghèo nàn
Suất ăn trưa của học sinh Tiểu học trường Ban Mai. Ảnh: PHCC.

Cũng theo phụ huynh trường Ban Mai, sau sự việc, chủ tịch hội đồng quản trị đã gửi thư xin lỗi và thể hiện thành ý tổ chức bữa ăn ngày thứ hai (16/4) với thực đơn có bữa chính gồm tôm chiên vừng, sườn sốt chua ngọt, thịt rim tiêu, rau muống xào, canh chua dầm me, cơm trắng, dưa hấu. Tuy nhiên, sau đó, 5 học sinh ở cùng một lớp bị đau bụng.

Trả lời Zing.vn, bà Mai Thị Lan Anh - chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Ban Mai - cho hay bà đã nhận được phản hồi trên từ phụ huynh, nguồn gốc từ một nhóm Facebook không phải trang chính thống do trường lập ra.

Theo bà Lan Anh, 50.000 đồng là số tiền chi cho một học sinh/ngày ăn ở trường, bao gồm 4 bữa: Bữa sáng, bữa lỡ, bữa chính, bữa chiều. Bữa sáng, các con thường ăn cháo, bún, phở, bánh mì, súp. Bữa lỡ uống sữa. Bữa trưa ăn cơm và bữa phụ cho buổi chiều.

Trong một tuần, riêng thứ sáu, học sinh được đổi món ăn theo phong cách Á hoặc Âu. Trong đó, món được phụ huynh phản ánh là bún nem Hà Nội - món truyền thống được thực hiện vào chiều thứ sáu (13/4).

“Món bún nem của trường cơ bản là bún, nem và nước chấm. Nếu người lớn ăn kèm rau sống và dưa góp thì trẻ em thường không thích nên món ăn chỉ có như vậy”, bà Lan Anh nói.

Chủ tịch hội đồng quản trị nhà trường thông tin bà đã cho kiểm tra lại món ăn, thấy bún nem ngon nhưng không đẹp mắt. Nếu phụ huynh có ý kiến hay món ăn không phù hợp, trường sẽ thay đổi.

Khi được hỏi món bún nem Hà Nội trị giá bao nhiêu trong số tiền ăn 50.000 đồng/ngày, đại diện nhà trường không đưa ra con số cụ thể. Bà Lan Anh nói tiền ăn 50.000 đồng bao gồm cả chi phí cho điện nước, đun nấu, có thể tiêu hết trong một ngày hoặc luân chuyển trong tuần, nên không thể xác định bữa bún nem Hà Nội trị giá bao nhiêu.

Về thông tin học sinh bị đau bụng, chủ tịch hội đồng khẳng định theo ghi nhận của tổ y tế, 4 em bị đau bụng nhưng không ăn ở trường. Hôm sau, các em đi học bình thường.

Thực chất tiền ăn trong số 50.000 đồng là bao nhiêu?

Trên mạng xã hội, phụ huynh đăng tải bảng hạch toán của nhà trường về số tiền ăn trong ngày, bao gồm: Thực phẩm: 35.300 đồng; nhiên liệu bếp: 2.700 đồng; nước: 4.000 đồng; nhân công: 8.000 đồng.

Một phụ huynh phân tích với số tiền 2.700 đồng cho nhiên liệu bếp, cấp tiểu học với (1.350 học sinh) sẽ tiêu hết 3,6 triệu đồng tiền nhiên liệu trong một ngày. Vậy nếu chia ra số bình ga (300.000 đồng/bình) sẽ có 12 bình được sử dụng trong một ngày. Điều này có quá vô lý?

Hơn nữa, phụ huynh cũng cho rằng nhân công đã được nhà trường trả lương tại sao lại có 8.000 tiền nhân công trong suất ăn của học sinh?

Chi 50.000 đồng một ngày, phụ huynh trường Ban Mai tố bữa ăn nghèo nàn - 1
Bản hạch toán trên mỗi bữa ăn được ghi trong biên bản. Ảnh: PHCC.

Trước đó, bà Lan Anh xác nhận với phóng viên, nhà trường đang lựa chọn mô hình bếp ăn bán trú tự nấu, được biên chế và được hưởng đầy đủ chế độ lương, thưởng…

Khi được hỏi bảng hạch toán trên có phải do bà Lan Anh soạn thảo, chủ tịch hội đồng quản trị phủ nhận và cho rằng để cấu thành bữa ăn, nhà trường phải có lực lượng nhân viên nhà bếp, chất đốt, thực phẩm gia vị, dụng cụ nấu hàng ngày. Nhà trường không chỉ nấu mỗi ga, trong đó còn có cả bếp điện, bếp từ nên không thể quy ra số tiền ga như trên.

Tuy nhiên, theo tài liệu phóng viên có được, công thức này được ghi trong Biên bản ghi nhớ tháng 4/2018 giữa Hội đồng Cha mẹ Học sinh/Tổ Công tác Vệ sinh An toàn thực phẩm và đại diện Ban lãnh đạo nhà trường (lập ngày 5/4). Nhà trường gửi cho đại diện Hội đồng Cha mẹ Học sinh vào ngày 14/4 qua email, có bao gồm công thức hạch toán trên.

Theo một phụ huynh, công thức này nhà trường lập ra để trả lời câu hỏi: “Trong 50.000 đồng, thực chất học sinh có bao nhiêu tiền ăn?”. Bữa bún nem Hà Nội của nhà trường thuộc thời gian sử dụng công thức trên.

“Biên bản ghi nhớ ngày 5/4 không được đại diện Hội đồng Cha mẹ Học sinh thông qua. Trong email mới nhất, bà Lan Anh nói sẽ thực hiện theo biên bản họp từ tháng 3. Nghĩa là trong 50.000 đồng sẽ có 8.000 đồng bao gồm tiền nhân công, mắm muối, ga và 42.000 tiền thực phẩm. Nhà trường sẽ thực hiện từ 16/4. Tuy nhiên, điều này vẫn vô lý vì học sinh thực chất đã đóng 450.000 đồng mỗi tháng tiền phí bán trú”, một phụ huynh cho biết.

Cũng theo vị này, hiện tại, nhà trường và phụ huynh chưa có biên bản nào được cả hai bên thông qua khi nói về về khoản chi tiêu 50.000 đồng tiền ăn dành cho học sinh bán trú trong một ngày.

Trong khi đó, bà Lê Thị Lan Anh cho phóng viên hay giữa nhà trường và phụ huynh đã có thống nhất. Phụ huynh đang chờ sự thay đổi của nhà trường về chất lượng bữa ăn, nhà cung cấp thực phẩm và nhân sự. 

Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật