Bức xúc trước bữa ăn hàng ngày của con, một số phụ huynh trường Tiểu học Nam Trung Yên (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã có đơn gửi tới Báo Lao Động.
Phụ huynh chia sẻ: “Thấy con tôi nhiều lần đi học về kêu đói và thức ăn ở trường quá chán, quanh đi quẩn lại hết thịt băm đến đậu phụ, cháu không ăn được nên tôi mới để ý bữa ăn của trường.
Theo như lời con tôi kể, bữa ăn tại trường rất nghèo nàn, chỉ có một ít thức ăn và rau. Tất cả đều được cho chung vào 1 chiếc bát tô.
Cháu nào chan canh thì cũng chan trực tiếp vào bát tô đó chứ không có bát riêng. Những bạn ăn nhanh còn đỡ, bạn nào ăn chậm, cơm canh vữa ra như cháo, nhìn hổ lốn giống như... bát cám lợn”.
Hình ảnh được ghi lại vào bữa ăn ngày thứ 2 và thứ 3 tuần vừa qua (ngày 23-24.10), mỗi suất ăn của học sinh chỉ vỏn vẹn có vài ngọn rau luộc hoặc khoai xào, một ít trứng rán thịt cùng một ít cơm trắng. Tất cả được cho chung vào 1 bát tô.
Được biết, thỏa thuận ăn bán trú tại trường, nhà trường thu 28.000 đồng/1 ngày ăn gồm 1 bữa chính và 1 bữa phụ.
"Một bát cơm như thế này liệu có đáng số tiền phụ huynh đóng góp hay không? Trong khi, nhà trường có tới khoảng 2.000 học sinh thì chi phí nấu ăn sẽ rẻ hơn rất nhiều. Phụ huynh thật sự không yên tâm chút nào khi gửi con ở ngôi trường như thế này", phụ huynh bức xúc cho biết.
Ngoài khoản thu bữa ăn, phụ huynh cho biết nhà trường thu thêm 150.000 đồng/tháng/học sinh tiền chăm sóc bán trú và 100.000 đồng/năm/học sinh tiền trang thiết bị phục vụ công tác bán trú.
"Đầu năm đi họp phụ huynh, nhà trường cũng thu 100.000 đồng/năm/học sinh tiền trang thiết bị phục vụ bán trú nhưng đến bây giờ khay đựng đồ ăn cũng không có mà chỉ cho chung vào 1 tô.
Trong phiếu thỏa thuận ghi rất rõ số tiền trên chi mua chiếu, chăn, khăn mặt, bát, đĩa, thìa, cốc, giá phơi khăn đồ dùng vệ sinh… Tuy nhiên, đồ dùng bán trú thì nghèo nàn, học sinh vẫn nằm không có gối nên các con kêu đau đầu. Khăn mặt không có, giấy vệ sinh cũng không.
Tiền giấy vệ sinh, tiền khăn mặt vẫn thấy hàng năm hạch toán trong tiền quỹ lớp. Vậy thử hỏi nhà trường đã sử dụng tiền này vào việc gì, ai là người kiểm soát?", phụ huynh này chia sẻ.
Theo Thiên Minh (Lao Động)