Cháy quán karaoke 33 người chết: Ai chịu trách nhiệm, bồi thường ra sao?

08/09/2022 10:57:09

Theo luật sư, cần xác định nguyên nhân chập điện trong vụ hỏa hoạn có phải sự kiện bất khả kháng hay không, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan.

Khoảng 20h15 ngày 6/9, quán karaoke An Phú (số 166C, Bùi Thị Xuân, khu phố 1A, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), bốc cháy. Đám cháy bùng phát tại tầng 2 và nhanh chóng lan rộng. Theo thống kê, vụ việc khiến tổng cộng 33 người tử vong cùng nhiều người khác bị thương, phải điều trị tại bệnh viện.

Trong vụ việc này, ai phải chịu trách nhiệm đối với sức khỏe, tính mạng của các nạn nhân?

Chia sẻ trên Tri Thức Trực Tuyến, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) đánh giá đây là sự việc thương tâm, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Với hậu quả làm 33 người chết, thiệt hại trong vụ hỏa hoạn này mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc để xử lý sai phạm (nếu có) cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các nạn nhân.

Theo báo cáo ban đầu, hỏa hoạn có thể do chập điện. Trường hợp này, để xác định đây có phải sự kiện bất khả kháng hay không, luật sư cho rằng cần dựa trên 3 yếu tố. Đó là xảy ra một cách khách quan; không thể lường trước được và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Đối chiếu với vụ việc này, ông Tiền cho rằng nguyên nhân dẫn tới chập điện sẽ là yếu tố quan trọng xác định trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan.

Cụ thể, nếu việc chập điện xảy ra do các yếu tố khách quan như sét đánh, lỗi hệ thống điện... mà nhân viên quán không thể lường trước được; đã áp dụng các biện pháp khắc phục như ngắt cầu dao điện, cố gắng sử dụng bình chữa cháy để dập lửa nhưng bất thành thì đây có thể coi là sự kiện bất khả kháng. Ngược lại, nếu việc chập điện xuất phát từ tác động của con người như hút thuốc, bật lửa gây cháy nổ; sử dụng, vận hành hệ thống điện không đúng quy trình hay hàn cắt kim loại không đảm bảo an toàn, để tia lửa bắn vào hệ thống gây chập cháy thì không thể coi là sự việc bất khả kháng.

Nếu đủ yếu tố xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn xảy ra do sự kiện bất khả kháng, căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, chủ quán sẽ không phải bồi thường cho các nạn nhân. Ngược lại, nếu xác định có yếu tố lỗi của chủ hoặc nhân viên quán, họ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn theo các Điều 584, 585, 590 và 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Thậm chí, trách nhiệm hình sự cũng có thể đặt ra đối với các tội danh như Vô ý làm chết người (Điều 128), Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129), Vi phạm an toàn ở nơi đông người (Điều 295) hoặc Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (Điều 313) tại Bộ luật Hình sự 2015.

Cháy quán karaoke 33 người chết: Ai chịu trách nhiệm, bồi thường ra sao?
Cảnh sát chữa cháy tiếp cận tầng cao nhất của quán, sáng 7/9 (Ảnh VnExpress.net)

Thông tin trên báo Infonet, Tiến sĩ, luật sư (TS.LS) Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng vụ hỏa hoạn xảy ra tại quán Karaoke ở Bình Dương là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, rất thương tâm.

Theo quy định của pháp luật, kinh doanh karaoke, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy chữa cháy thì mới được phép hoạt động.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người quản lý cơ sở kinh doanh này đã vi phạm quy định tại Điều 4 của Nghị định 54/2019/NĐ-CP thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy hoặc tội vô ý làm chết người tùy theo lỗi vi phạm.

Cụ thể quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke như sau: Là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).

''Nguyên nhân hơn 30 người thiệt mạng là do bị cháy, bởi vậy rất có thể cơ sở kinh doanh này không đảm bảo an toàn về phòng cháy dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ vấn đề điều kiện phòng cháy chữa cháy của cơ sở kinh doanh này có đảm bảo hay không. Nếu không đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy nguyên nhân vụ cháy là do cơ sở kinh doanh này đã không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy dẫn đến chập điện hoặc có những nguyên nhân khách quan nào khác dẫn đến vụ cháy xảy ra thì cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy để tiến hành điều tra đối với những sai phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Chủ cơ sở kinh doanh, người trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh của cơ sở này phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại đã gây ra đối với những nạn nhân trong vụ cháy'', luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Luật sư phân tích thêm: Trường hợp có căn cứ cho thấy người quản lý điều hành hoạt động kinh doanh này đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hậu quả làm 3 người chết trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù 7 - 12 năm, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Với hậu quả hơn 30 người chết và nhiều người bị thương thì người vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng và tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ bản.

Đối với những người bị thương tích thì phải bồi thường thiệt hại tiền chi phí cứu chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, bồi thường tiền công người chăm sóc và tổn thất về tinh thần khoảng 50 tháng lương cơ bản.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có người cố ý "phóng hỏa" để gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự với tình tiết là giết nhiều người và hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

“Tình huống này cũng không loại trừ. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ cháy là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, do lỗi vô ý hay cố ý. Nếu có lỗi cố ý gây ra vụ cháy thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người.

Nếu có lỗi vô ý gây ra vụ cháy thì có thể khởi tố về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy hoặc tội vô ý làm chết người theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, nguyên nhân của sự việc là yếu tố quan trọng để quyết định việc cơ quan điều tra có khởi tố vụ án hình sự hay không, phải khởi tố về tội danh gì và khởi tố đối với ai”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

HL (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật