Chất lượng không khí Hà Nội đang ở mức báo động: Đối tượng nào nên ở nhà?

27/10/2021 08:13:14

Chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều nơi đang ở mức báo động ảnh hưởng tới sức khoẻ. Chuyên gia lưu ý người dân không nên ra đường, đặc biệt nhóm đối tượng trẻ nhỏ và người già.

Ngày 26/10, nhiều điểm quan trắc cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc đang ở mức không tốt cho sức khỏe.

Lúc 10 giờ, trên ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận có 5 điểm có chất lượng không khí ở mức xấu, trong đó 3 điểm tại Bắc Ninh là trụ sở UBND các huyện Quế Võ, Yên Phong, xã Phù Lãng (huyện Quế Võ); 2 điểm tại Hà Nội là trụ sở Chi cục Bảo vệ Môi trường và số nhà 556, đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên).

Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội ghi nhận một điểm màu tím tại phố Hàng Đậu (trụ sở Công an phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm).

Ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí và có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) ghi nhận rất nhiều điểm màu đỏ ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Màu đỏ có nghĩa là mức độ những người có sức khỏe bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, có 4 điểm ở mức tím (rất có hại cho sức khỏe) gồm 3 điểm thuộc Hà Nội là các khu Mỹ Đình (Bắc Từ Liêm), Thành Công (Ba Đình), trụ sở Công an phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm) và một điểm ở Hưng Yên là Trường British University Vietnam (huyện Văn Giang).

Chất lượng không khí Hà Nội đang ở mức báo động: Đối tượng nào nên ở nhà?
Cảnh báo mức độ bụi mịn trên trang aqicn.org tại Hà Nội thời điểm 13 giờ ngày 26/10

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường sức khoẻ, không khí Hà Nội đang chất lượng đang xấu dần trong những ngày qua là do khí thải từ các nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động trở lại, bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới (ô tô, xe máy), các công trình xây dựng bắt đầu thi công trở lại… Tất cả những hoạt động trên khiến cho chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức báo động.

Đặc biệt, hiện nay đã bước vào mùa đông, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh sẽ đẩy mức độ ô nhiễm tăng lên do ảnh hưởng phát thải của các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận Hà Nội.

PGS.TS Huy Nga, một trong những chỉ số đáng lưu ý trong không khí tại Hà Nội là chỉ số bụi PM2.5. Các hạt bụi này gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi gây ra các loại bệnh về đường hô hấp, hoặc có thể làm gia tăng thêm các bệnh lý nền hiện có.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) cho thấy mối tương quan giữa mức độ ô nhiễm bụi trong không khí với tỷ lệ mắc ung thư. Các hạt bụi PM2.5 và PM10 tích tụ lâu ngày trong cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh ở hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ tuần hoàn và cả hệ sinh sản của con người.

"Do kích thước nhỏ nên chúng đi vào phần sâu của phổi và thậm chí vào máu. Trong thành phần bụi PM2.5 có thể có nhiều chất có hại cho sức khoẻ khác nhau như: sunfat, nitrat, amoniac, carbon, bụi khoáng...", PGS Nga nói.

PGS Nga khuyến cáo khi chất lượng không khí ở mức xấu, người dân khi đi ra ngoài cần phải mang khẩu trang, đóng kín cửa, lau sạch bụi trong nhà. Với trẻ nhỏ, người cao tuổi nên hạn chế các hoạt động ngoài trời để giảm các tác động ảnh hưởng của không khí lên sức khoẻ.

Theo Ngọc Minh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)