Giống như "trò đùa của tạo hoá", à mà không, giống như một sự mỉa mai, chỉ ngay sau khi thông tin hàng ngàn cây xanh sẽ tiếp tục bị chặt hạ, Hà Nội hứng chịu trận nắng nóng lịch sử trong 45 năm qua.
Hồ Gươm nóng như rang và quảng trường không một bóng người (Ảnh VNN) |
Nhưng ông giời chỉ là một phần nguyên nhân của sự khốn khổ mà thôi.
Câu hỏi vì sao nhiệt độ thủ đô luôn cao ngất, vượt 2-4 độ so với các nơi khác thật ra không khó để trả lời. Hà Nội của chúng ta như một cái hộp bê tông kín mít. Hà Nội của chúng ta quá thiếu cây xanh.
Hàng ngàn cây xanh đã bị chặt hạ trong một dự án tù mù, để giờ đây một khoảng bóng râm bên những con đường bỏng cháy, ven những ngã tư chang chang nắng trở thành một ao ước.
Và còn hàng ngàn cây xanh khác sắp chung số phận.
Hôm qua, sau khi hình ảnh cuối của những hàng cây xanh bên đường Phạm Văn Đồng được đưa lên mạng, trước giờ bị chặt hạ, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Ừ, đã đành dân nào cũng ủng hộ việc khai mở những con đường đang triền miên ùn tắc, nhưng có nhất thiết phải chặt, phải đốn những hàng cây mà phải cả chục năm nữa chúng ta mới trồng lại được. Tại sao không biến chúng thành một giải phân cách xanh giữa hai làn đường?!
Tôi, có lần đã kể về cái cây cổ thụ giữa đường cao tốc ở ngay Tây Nguyên của chúng ta đây thôi. Ban quản lý dự án con đường hoàn toàn có thể thản nhiên chặt bỏ, vì lý do an toàn đường cao tốc, vì... phát triển như cách "lý luận" phổ biến chúng ta muốn nghe. Nhưng không, họ đã nắn đường để cố giữ lại cái cây ấy, như giữ lại một phần lịch sử, văn hoá, và có lẽ cả như một cách đối xử với tự nhiên.
Đối xử với thiên nhiên thế nào, chúng ta sẽ nhận lại cái "quả" tương xứng mà Hà Nội bỏng đớt của chúng ta hôm nay cũng là một ví dụ.
Trời ơi, nói chuyện chặt cây giữa lúc cả Thủ đô đang sốt nóng. Đúng là cạn lời- "sa mạc lời"! Ông trời là một phần nguyên nhân, nhưng còn cả những ông trời con ngồi xe máy lạnh với những đề án triệt hạ những thảm ôxy vô tội nhân danh sự phát triển.
Chúng ta cũng là một phần nguyên nhân nếu chúng ta chỉ biết cam chịu, chỉ biết ngửa cổ nhìn giời.
Theo Anh Đào (Lao Động)