Theo đó, trong bộ hồ sơ của người tự xưng là chủ của 3 cây "siêu khủng" đến xin làm việc với Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên - Huế có nhiều giấy tờ như đơn xin vận chuyển, bản đăng ký khai thác, biên bản xác minh...
3 cây "siêu khủng" trên được xác định là cây đa sộp.
Cụ thể, cây đa sộp thứ nhất được khai thác từ đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng ở xã EaPil, huyện M’Đrăk, Đăk Lăk.
Cây này có đường kính gốc 1,8m, ngọn 65cm, dài 8m, khối lượng 9,043m3.
Ông Thướng cho biết khai thác cây đa này để tặng một người tên Lương Anh Tuấn đưa về xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Hai cây còn lại được khai thác tại vườn nhà ông Yô Na Buôn Ya, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, Đăk Lăk.
Hai cây này có cùng đường kính 1,4m, cao 12m và được bán cho ông Đinh Công Quân (trú huyện Thạch Thất, Hà Nội) để đưa về một ngôi chùa tại huyện này làm bóng mát.
Đơn xin vận chuyển của ông Quân đã được UBND xã Ea Hồ xác nhận.
Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online cũng cho biết do bộ hồ sơ trên là bản sao nên chủ cây bị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế từ chối tiếp nhận làm việc.
Hiện phía kiểm lâm đang tiếp tục chờ chủ cây đưa hồ sơ gốc tới để giải quyết vụ việc.
Trước đó, chiều tối 30-3, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, lực lượng CSGT đã phát hiện ba xe đầu kéo mang biển số tỉnh Quảng Bình lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc nên đã ra lệnh dừng xe.
Qua kiểm tra, cả ba xe đều vi phạm lỗi chở quá khổ, quá tải vượt quy định. Các chủ xe cũng không xuất trình được giấy phép lưu hành đặc biệt nên bị lực lượng CSGT lập biên bản, xử phạt tổng cộng gần 82 triệu đồng và tước bằng lái của các tài xế từ 1-3 tháng.
Ông Nguyễn Hải Sơn, giám đốc Công ty Hải Sơn, cho biết công ty nhận chở ba cây đa cổ thụ cho một nhà chùa từ Đắk Lắk về Hà Nội. Trong quá trình vận chuyển cây có nhà sư của chùa đi theo xe.
Sau khi bị CSGT Thừa Thiên - Huế xử phạt, phía công ty đã bàn giao cây lại cho đại diện nhà chùa và đưa xe đầu kéo về Quảng Bình sửa chữa.
Theo Nhật Linh (Tuổi Trẻ)