"Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi"
Anh Việt là đội trưởng đội cứu hộ FAS Angel và cũng chính anh đã lập nên đội cứu hộ này từ tháng 9/2019.
Kể về ý tưởng thành lập đội cứu hộ, anh Việt cho biết: "Tôi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y ở huyện Xuân Trường, Nam Định. Hồi ấy, ai cũng nghĩ lớn lên, tôi sẽ theo nghề của gia đình là trở thành một thầy thuốc giỏi, chữa bệnh cứu người.
Thế nhưng, khi xong bậc phổ thông, tôi không có điều kiện theo đuổi nghề nên lựa chọn một con đường hoàn toàn khác, đó là thi vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với mơ ước được trở thành ca sĩ".
Vì nhiều lý do khác nhau, Việt đã không thể theo đuổi đến cùng mơ ước tuổi trẻ của mình. Anh quyết định trở thành một nhân viên văn phòng. Hàng ngày, hết giờ làm việc ở công ty, Việt lại tranh thủ, tối đến ra đường làm "cuốc" xe ôm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Chính công việc này đã khơi nguồn cho ý tưởng về một FAS Angel ngày nay.
"Năm 2016, khi tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người, khiến tôi ngất luôn tại chỗ. Khi tỉnh lại, toàn thân như bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc là tỉnh táo nhưng vẫn không có ai giúp đỡ.
Đó là những phút giây không thể nào quên, tôi hoàn toàn bất lực trước dòng người. May mắn thay, cuối cùng cũng có một người qua đường quyết định dừng xe và đưa tôi đi cấp cứu, khiến tôi luôn nhớ mãi và biết ơn", anh Việt kể lại.
Năm 2017, khi xe ôm công nghệ xuất hiện tại Việt Nam, anh đăng ký tham gia. Ban đầu, anh chỉ tranh thủ làm thêm vào buổi tối, vừa chở khách kiếm tiền, vừa chú ý quan sát, hễ chỗ nào xảy ra TNGT, có người bị thương, anh sẽ hỗ trợ đưa họ đi cấp cứu.
"Từ lâu, tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người. Đã có những người bị TNGT nặng, họ nắm chặt tay tôi mong muốn được giúp đỡ. Với tất cả những thứ nhỏ nhoi có trong tay, tôi cố gắng giúp họ vượt qua cơn nguy kịch", anh Việt nói.
Theo anh Việt, khi nhìn vào ánh mắt của những người gặp nạn, anh lại hồi ức về lần tai nạn ở Tuyên Quang. Đây cũng là động lực để anh quyết định từ bỏ công việc văn phòng, dành thời gian thành lập đội tình nguyện FAS Angle (First Aid Support Angel) vào tháng 9/2019 với thông điệp "Tôi không bỏ đi khi bạn gặp nạn vì một ngày kia khi tôi bị nạn sẽ có người giúp tôi".
Không bỏ rơi ai cả
Dù mới chỉ hơn 1 năm thành lập nhưng số lượng thành viên của đội ngày một tăng. Đến nay, đã khoảng 60 bạn trẻ tham gia hoạt động cứu hộ trong nhóm, cứu giúp hơn 3000 lượt người bị tai nạn giao thông. Thành viên của đội chủ yếu là các tài xế xe ôm công nghệ. Họ được đào tạo kỹ năng sơ cứu một cách bài bản.
"Các thành viên chia ca trực, khoảng 3,4 người mỗi đêm, được tôi quản lý, điều phối bằng một phần mềm trên điện thoại. Đến 21h30, mọi người lại gặp mặt tại 42 Nguyễn Xiển để họp, kiểm tra lại đồ đạc như băng gạc, cồn sát trùng, nước muối sinh lý… trước khi toả đi các tuyến đường", anh Việt thông tin.
Khi có tai nạn, các thành viên sẽ tiếp cận được hiện trường, chụp ảnh nạn nhân gửi vào nhóm chat chung. Khi nhận tin báo, căn cứ định vị, đội trưởng sẽ biết thành viên nào ở gần hiện trường nhất, từ đó trực tiếp điều phối họ tới sơ cứu nhanh chóng trong trường hợp xe cứu thương 115 không kịp đến.
Với thu nhập ít ỏi của nghề xe ôm, hàng tháng, anh Việt và các anh em thuộc đội FAS Angle vẫn sẵn sàng trích ra từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày để mua băng gạc, các dụng cụ y tế phục vụ cho công việc thiện nguyện mỗi đêm của mình.
Kể về những lần cứu người căng thẳng, anh Việt nhớ lại: "Có những hôm trắng đêm cứu hộ vì chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ đã nhận tới 4 vụ va chạm, nhiều người bị thương trên toàn thành phố.
Đôi khi, chúng tôi cũng rất chạnh lòng vì không thể cứu được những nạn nhân bị nặng. Những phút giây đó, tất cả đều thấy nghẹn lòng, xúc động và có cảm giác bất lực nhưng với một niềm tin nào đó, tôi tin rằng họ cũng được an ủi phần nào khi có đội cứu hộ ở bên cạnh. Tôi sẽ nói với họ, tôi không giúp được bạn rồi nhưng bạn hãy yên tâm ra đi, tôi sẽ liên lạc với người nhà của bạn để đón bạn về".
"Hay có những khi, nhiều bạn trẻ bị ngã rách quần áo, tôi và cộng sự phải dùng áo của mình để che cho nạn nhân. Tôi cũng có dặn ‘Ra viện, nhớ trả áo cho anh nhé’ nhưng nhiều người vẫn quên, mấy tháng rồi không có ai trả áo. Đó là những kỷ niệm vui thôi, đâm ra mất áo nhiều thành quen", anh Việt cười.
"Với tinh thần không bỏ rơi ai cả, chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ những người bị nạn không phân biệt người đó làm sao bị thương. Thậm chí người ta có đánh nhau hay trộm cắp bị đánh, chúng tôi vẫn sẽ can thiệp để hỗ trợ y tế cho họ trước, sai đến đâu đã có cơ quan chức năng xử lý", anh Việt nói tiếp.
Rét mấy cũng trực cứu người
Những ngày qua, nhiệt độ tại Hà Nội giảm sâu do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường. Mức nhiệt thấp nhất có khi xuống tới dưới 10 độ C, trạng thái chủ đạo là rét hại. Thế nhưng với tinh thần luôn luôn sẵn sàng cứu người, đội cứu hộ FAS Angle vẫn luôn luôn túc trực.
"Rét mấy chúng tôi cũng ngồi đây để trực vì nhiều trường hợp gặp tai nạn trong đêm họ rất cần mình giúp đỡ. Đôi lúc, rét quá mấy anh em ngồi chụm lại nói chuyện hoặc uống tạm ngụm nước chè nóng để quên đi cái lạnh", anh Việt tâm sự.
Là một thành viên trong đội, anh Bùi Văn Phương (SN 2001) cho biết, công việc chính của anh là xe ôm công nghệ. Phương cũng mới tham gia đội cứu trợ được 4 tháng.
"Tôi nghe thông tin đội cứu hộ từ người bạn của tôi gia nhập trước. Bản thân tôi cảm nhận đây là một hoạt động ý nghĩa, trước đây khi đi trên đường tôi cũng gặp một số trường hợp gặp nạn nhưng không biết làm gì để giúp nguời ta cả. Đây cũng là một nguyên nhân tôi xin gia nhập đội.
Mấy hôm nay trời lạnh này vất vả, khó khăn lắm. Khi ra đường phải mặc nhiều quần áo nhưng ngồi trực thế này vẫn rét lắm", anh Phương nói.
Theo Đinh Huy (Doanh nghiệp & Tiếp thị)