Cuộc hôn nhân đã kéo dài gần 90 năm, đã trải bao thăng trầm, Tết đến cụ ông Cao Viễn và cụ bà Vũ Thị Hai (Nghệ An) lại quây quần nhớ về quá khứ với bao kỷ niệm của cuộc đời.
Chúng tôi ngỏ ý muốn xuống bếp giúp ông nấu nước, thì bà gạt đi: “Việc trong nhà ông chỉ thích túc tắc làm một mình, không muốn phiền ai. Làm việc cũng là cách để ông khuây khỏa…”
Theo cách tính tuổi của người Việt (tính cả tuổi mụ), thì năm nay cụ Hai đã 102 tuổi. Tuổi cao, sức yếu, những nếp hằn thời gian hiện rõ trên cơ thể cụ nhưng gương mặt và lối trò truyện toát lên vẻ phúc hậu, minh mẫn, dí dỏm. Cuộc trò chuyện diễn ra khá ồn ào do chúng tôi phải nói thật to cũ mới nghe rõ.
Cả hai vợ chồng cụ đều là người Phượng Lịch, thuộc xã Diễn Hoa. Làng Phượng Lịch có nghề dệt vải Bùi nổi tiếng đi vào ca dao: “Sống vải Bùi, chết vùi vàng tằm”.
Nói chẳng đâu xa, ngay cụ Vũ Thị Hai cũng chính là thôn nữ dệt vải khéo có tiếng của làng Phượng Lịch năm xưa, dệt từng súc vải to mang ra phiên chợ Hòm bán. Cụ bảo: “Vải dệt có loại vải kén khô, giá rẻ, chỉ một màu chấm hoặc màu nâu đất cho người lao động mặc, cứng quau quạu. Loại khác đắt tiền hơn thì nhuộm nhiều màu lắm, loại này ít làm vì thời đó còn nghèo mấy ai mua”. Vải Bùi làng Phượng Lịch có tiếng vừa bền, vừa đẹp được làm bằng những bàn tay khéo léo của các cô gái xinh xắn trong làng. Hai lẽ ấy đã khiến cho những buổi chợ Hôm hàng tháng ở Phượng Lịch nhộn nhịp hẳn lên, nhất là vào cữ Tết…
Cụ ông Cao Viễn chầm chậm xách ấm nước đi lên, lưng còng mọp xuống, bước chân có phần tập tễnh vì bệnh xương khớp tuổi giả. Cụ cẩn thận gắn lại chiếc máy trợ thính, đoạn mới đằng hắn hỏi: “Các chú, các o đến có việc chi?”.
Chúng tôi thưa cụ về chuyến thăm này và xin được trò chuyện một chút với các cụ về cuộc sống thường nhật của người già. Cụ hóm hỉnh cười bảo: “Tui với bà đây lấy nhau lâu rồi, sinh 8 đứa con nhưng chỉ nuôi được 7. Đến giờ cả thảy được 35 cháu, 55 chắt, chuẩn bị có mấy đứa chút…”.
|
Mối tình bách niên giai lão gần 90 của cụ ông Cao Viễn (108 tuổi) và cụ Vũ Thị Hai (102 tuổi). |
Năm 17 tuổi, chàng trai Cao Viễn cao to vạm vỡ tham gia vào lực lượng dân công, cùng thanh niên làng Phượng Lịch và các làng lân cận đắp đê, mở đường, tích cực trong các phong trào yêu nước. Khi 23 tuổi, anh về báo với gia đình mang trầu cau sang hỏi cưới cô Vũ Thị Hai tròn 18 tuổi.
Cuộc sống nghèo khó, ruộng ít con đông, cụ bà dệt vải còn vụ ông cùng bạn bầu đi làm thợ ngói ở xứ Lường. Cụ bảo, nghèo đến đâu, Tết cũng chỉ như ngày thường, bố mẹ và 7 đứa con xì xụp bữa cháo sắn, cháo khoai qua 3 ngày Tết, chỉ gắng trang trọng cái bàn thờ gia tiên, có cặp bánh chưng nhân ít mỡ hành.
Rồi cụ bần thần nhớ đến nạn đói năm 1945. Bấy giờ, hai ông bà đã có với nhau 4 mặt con: “Đói đến cám cũng không có mà ăn. Cả làng như thế chứ không chỉ nhà tôi. Tết năm đó, đi mót khoai ngoài đồng, rồi băm nhỏ, thả tí muối vào thành món tất niên…”. Ký ức của người bách niên như màn sương ẩn hiên, cụ lấy những cái Tết như một cách đánh dấu mốc cuộc đời mình. Tui còn nhớ Tết độc lập năm 1975, lúc đó tui đang lợp dở mái nhà thì thấy cả làng đánh kẻng choang choang. Mọi người hét to: “Thắng rồi, ta thắng rồi!” mới biết biết nhà độc lập. Năm nớ, làng ăn Tết to lắm”.
Trong những lời kể của cụ Cao Viễn thì những đận nghèo khó thể hiện rõ nét nhưng cụ nhắc đi nhắc lại rằng, dẫu nghèo đói đến mấy thì hai cụ vẫn dạy con cái sống đàng hoàng, “đói cho sạch, rách cho thơm”. Đoạn cụ quờ tay lấy chiếc gậy để trong góc, chống tập tễnh vào giường lục tìm bài thơ dài cụ viết để răn dạy con cháu về nế nếp, gia phong. Bài thơ cụ đặt tên là “Giáo huấn con cháu”, gửi gắm tâm nguyện đến thế hệ sau. Không cần kính, cụ Cao Viễn cầm giấy đọc to:
“… Dẫu rằng ruộng tốt bề bề
Cũng phải giữ lấy cái nghề trong tay
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Nhược bằng lười biếng ắt sinh đói nghèo…”
“Thôi đừng bạc bẽo với đời
Lòng mà trung hậu phúc thời dài lâu.
Việc chưa đến chớ dồn bụng nghĩ
Việc đã qua chớ để trong lòng
Bốn mùa hòa khí xuân phong…”
Giọng đọc của cụ Cao Viễn rảnh rẽ, sảng khoái, đôi mắt tinh anh thi thoảng ánh lên nét hóm hỉnh tươi vui. Cụ chủ động đề xuất rằng, nói chuyện xưa làm gì, giờ nói chuyện tương lai! Rồi ông tự hài về gần trăm người con, cháu, chút chít luôn lo lao động, học tập, có việc ở nước ngoài.
Đoạn, cụ ông nắm tay cụ bà nhìn bằng ánh mắt trìu mến: “Tui còn khỏe chớ bà yếu đi nhiều rồi. Bà khổ cả đời, cực nhọc kiếm ăn, rồi chiến tranh loạn lạc, rồi nuôi con chăm cháu. Già rồi, nhà tôi chỉ mong con cháu phát triển, xã hội phồn vinh và thấy vui vì năm nào cũng được các bác đến thăm, tặng quà, may áo mới cho. Từ “các bác” trong ý tứ cụ Viễn là đại dện chính quyền các cấp, hàng năm vào dịp Tết đến, Xuân về thường xuyên đến thăm nom các cụ, âu cũng là tình nghĩa tri ân của thế hệ trẻ đến các bác già lão của quê hương.
Chúng tôi chia tay hai cụ để trở về phố cho kịp chuyến xe chiều. Đã đi khuất chiếc cổng sắt vòm xanh thân thuộc, ngoái lại đằng sau vẫn thấy hai ông bà nắm chặt tay nhau ngồi nhìn ra khoảng sân nhạt nắng, ngỡ như gần trăm năm trước đã bình yên và yêu thương như vậy, rồi đến cả mai này vẫn thế.
Theo hồ sơ đề cử của Tổ chức kỷ lục Việt Nam, 9h ngày 27/8/2014, từ thành phố Faridabad, bang Haryana của Ấn Độ, Tổ chức kỷ lục Châu á có văn bản chính thức công nhân hai kỷ lục châu Á mới của Việt Nam về người cao tuổi. Trong đó, kỷ lục cặp vợ chồng cao tuổi nhất Châu Á thuộc về cặp vợ chống cụ Cao Viễn (sinh năm 1908) và cụ Vũ Thị Hai (sinh năm 1914) tại làng Phượng Lịch, xóm 2, xã Diễn Hoa (Diễn Châu, Nghệ An).
Theo Phượng Chi (Báo Nghệ An)