Cao tốc 34.500 tỷ: ‘Giao thông là huyết mạch mà như xơ vữa động mạch’

24/10/2018 06:00:00

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bức xúc với tình trạng tại các dự án giao thông. Ông ví von tuyến cao tốc huyết mạch 34.500 tỷ vừa xây xong đã hỏng như “xơ vữa động mạch”.

Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019. Ngoài ra còn thảo luận về báo cáo 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018…

Nhiều vụ sai phạm ô nhiễm, tham nhũng vặt

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đánh giá cao công tác chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội. Ông cho rằng bức tranh phát triển kinh tế - xã hội sáng sủa, trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam Đồng được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất thế giới, dự trữ ngoại hối đã lên trên 60 tỷ USD.

Công tác đối phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu được quan tâm hơn. Hoạt động đối ngoại có bước thành công khi vị trí, hình ảnh Việt Nam tăng đáng kể trên trường quốc tế, các hiệp định kinh tế cũng sắp được ký kết.

Tuy nhiên, ông Nhưỡng lưu ý một số vấn đề vẫn còn tồn tại của tình hình kinh tế - xã hội. Ông cho rằng vẫn còn tình trạng tham nhũng ở rất nhiều nơi, đặc biệt là tham nhũng vặt. Ông nhấn mạnh tham nhũng gây ra hậu quả vô cùng to lớn, nhiều cán bộ thoái hóa, lợi ích nhóm ngày càng tinh vi, ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều.

Cao tốc 34.500 tỷ: ‘Giao thông là huyết mạch mà như xơ vữa động mạch’
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng sau khi thông xe chỉ 1 tháng. Ảnh: Minh Hoàng.

“Rất nhiều vụ sai phạm ô nhiễm, tham nhũng vặt. Quá là khủng khiếp khi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trị giá hơn 34.000 tỷ đồng vừa làm xong đã hỏng. Tôi thường nói giao thông là huyết mạch, giờ nó như xơ vữa động mạch của đất nước. Trông vẻ ngoài thì hào nhoáng mà lật ra thì rất nhiều vấn đề”, ông gay gắt nói.

Cao tốc 34.500 tỷ: ‘Giao thông là huyết mạch mà như xơ vữa động mạch’ - 1

Các chương trình mục tiêu quốc gia được đầu tư 1,3 triệu tỷ đồng nhưng còn rất chậm. Chính những chương trình này mà ta kỳ vọng câu chuyện của nền kinh tế sẽ đột phá, nhưng lại còn rất chậm. "Nó ảnh hưởng ngay đến cơ cấu cải cách của kinh tế, tạo đột phá cho cải cách kinh tế”, ông nói.

Chưa quan tâm tiếp dân

Ông Nhưỡng cũng thẳng thắn cho rằng nhiều địa phương không chú trọng công tác tiếp công dân, đặc biệt là tại các phiên tòa. Ông không đồng tình với báo cáo thẩm tra của Quốc hội chỉ nêu “một số nơi” làm chưa tốt. Ông nêu ra con số công tác tiếp dân chỉ đạt 6%.

Đại biểu Quốc hội Bến Tre này cho rằng chính việc tiếp dân chưa được quan tâm nên mới xảy ra các vụ việc lớn như Thủ Thiêm, Sóc Sơn, Thanh Hóa… người dân khiếu kiện kéo dài, trong nhiều năm, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

“Nhiều bộ ngành, mà trực tiếp đại biểu Quốc hội chuyển đơn đến đã trả lời chưa tốt, thế người dân chuyển đơn đến thì sao”, ông đặt câu hỏi.

Cảnh báo bị “hẫng” trong phát triển khi hết nguồn thu từ đất

Phân tích sâu về các vấn đề hạn chế của nền kinh tế, đại biểu đoàn Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cần được xem xét lại. Theo đó mục tiêu cả năm là 17%, trong khi 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng được 10,4%.

Ông đặt câu hỏi, nếu trong 3 tháng còn lại, muốn đạt mục tiêu thì tăng trưởng tín dụng phải thêm 6,6%, tương ứng 4,5 nghìn tỷ đồng rót vào nền kinh tế, liệu có hấp thụ được không. Đó là chưa kể đến số tiền từ đầu năm chưa hấp thụ được, có thể dẫn đến lạm phát tăng cao.

Cao tốc 34.500 tỷ: ‘Giao thông là huyết mạch mà như xơ vữa động mạch’ - 2
Đại biểu Quốc hội cảnh báo Đà Nẵng có thể bị "hẫng" khi phát triển do thiếu động lực. Ảnh: Đ.N.

Ông Kiên cũng đề nghị xem xét lại tổng mức đầu tư toàn xã hội có thực sự đạt hiệu quả, giải ngân được hết hay không. Cụ thể, trong 9 tháng, số vốn của các doanh nghiệp thành lập mới đăng ký đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Ông Kiên cho rằng khu vực FDI tuyên bố đầu tư 35 tỷ USD, nhưng cũng chỉ giải ngân được gần 50%. Do đó ông nghi ngờ tỷ lệ giải ngân thực sự của số tiền 1,3 triệu tỷ đồng. Từ đó, Chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa phát triển.

Cao tốc 34.500 tỷ: ‘Giao thông là huyết mạch mà như xơ vữa động mạch’ - 3

Cuối cùng, ông Kiên cảnh báo tình trạng thiếu động lực tăng trưởng hiện nay ở một số địa phương. Theo đó, một số địa phương đang có nguồn thu ngân sách chủ yếu đến từ đất đai. Khi nguồn lực này hết thì có thể bị “hẫng” trong phát triển.

“Nếu nhìn lại Đà Nẵng có thể thấy đang mất động lực tăng trưởng. Đà Nẵng không còn động lực thu từ đất, lại giảm công nghiệp, dịch vụ thì chưa đồng bộ. Chúng tôi đánh giá 2 năm tới Đà Nẵng sẽ bị hẫng phát triển. Dịch vụ chưa hoàn thiện, công nghiệp thì nhỏ và tiến tới xóa bỏ, nguồn lực hạn chế, nguồn thu không đạt”, ông nói.

Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật