Bằng cấp cao chưa phải yếu tố quyết định
Vấn đề luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về xã đang nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, khi bỏ cấp huyện vấn đề này càng trở nên cấp thiết và thực tiễn hơn bao giờ hết.
Không thể phủ nhận đội ngũ cán bộ cấp huyện hiện nay đa phần được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn cao, nhiều người có bằng thạc sĩ, cao cấp lý luận chính trị.
Tuy nhiên, khi bộ máy hành chính bỏ cấp huyện, đặt cán bộ huyện vào vị trí công tác ở xã, năng lực thực tiễn và khả năng thích ứng với môi trường cơ sở mới là yếu tố quyết định.
Anh N.N.H., nguyên trưởng phòng của một huyện ở tỉnh Thanh Hóa, được điều động về làm bí thư một xã từ hơn hai năm trước.
Anh H. chia sẻ, dù có nhiều năm kinh nghiệm ở cấp huyện, nhưng khi tiếp cận công việc ở cấp xã, anh nhận ra mình cần học hỏi rất nhiều từ chính các đồng nghiệp cơ sở – những người gắn bó trực tiếp với đời sống dân sinh, hiểu rõ tâm lý và nhu cầu của người dân.
Từ chuyện nhỏ tới ''đứng mũi chịu sào''
Một trong những việc đầu tiên anh H. đảm nhận khi về cấp xã là triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có nội dung vận động người dân hiến đất làm đường. Mặc dù chủ trương đã được thông qua từ huyện đến xã, nhưng khi triển khai thực tế lại gặp không ít trở ngại.
Nhiều hộ dân phản đối vì mất đất mà không được đền bù, nhất là trong bối cảnh giá đất tăng cao.
Lúc này, chính đội ngũ cán bộ xã - những người gắn bó với địa bàn, hiểu tâm tư bà con đã đóng vai trò then chốt. Với cách làm kiên trì, linh hoạt, giải thích rõ lợi ích lâu dài của việc mở rộng đường, không chỉ thuận tiện đi lại mà còn giúp tăng giá trị tài sản, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương... cuối cùng họ đã thuyết phục được người dân chuyển từ phản đối sang hưởng ứng tích cực.
Tương tự, vào năm 2022, khi xã triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn với ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ 200 triệu đồng, trong khi tổng chi phí lên đến cả tỷ đồng nên chính quyền xã phải vận động người dân chung tay đóng góp.
Ban đầu nhiều hộ dân còn phản đối, nhưng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cán bộ xã đến từng nhà vận động, lắng nghe, chia sẻ, nên cuối cùng toàn bộ các thôn đều đồng thuận, xây dựng được nhà văn hóa khang trang, phục vụ đời sống cộng đồng.
Theo anh H., không chỉ trong các chương trình phát triển hạ tầng, cán bộ xã còn là người “đứng mũi chịu sào” khi phát sinh các tình huống phức tạp tại địa bàn. Điển hình như tuyến cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn xã, gây chia cắt hệ thống kênh mương tưới tiêu, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân.
Trong khi cấp trên chỉ đạo chung thì chính cán bộ xã phải trực tiếp đề xuất phương án cụ thể với chủ đầu tư, đơn vị thi công, thậm chí kiến nghị lên cấp trên để điều chỉnh giải pháp thi công phù hợp với điều kiện địa phương.
“Những lúc dân bức xúc thì cán bộ cơ sở rất áp lực, nhiều lúc dân nói rất khó nghe nhưng anh em vẫn phải kiên trì. Một mặt, cán bộ phải đối thoại với dân tìm giải pháp xử lý tối ưu nhất, mặt khác phải ''đứng mũi chịu sào” đưa ra phương án thi công khả thi nhất.
Chính việc cán bộ xã gần dân, nắm chắc địa bàn nên việc làm kênh mương thoát nước đã nhanh chóng được giải quyết”, anh H. chia sẻ.
Không phải là “điều động trên giấy”
Chủ trương đưa cán bộ huyện về xã trong tiến trình cải cách bộ máy là điều tất yếu. Tuy nhiên, để việc này không chỉ là “sắp xếp hành chính trên giấy”, cần chuẩn bị kỹ lưỡng: Lựa chọn đúng người, đúng năng lực, có tư duy chiến lược nhưng cũng phải cầu thị, chấp nhận học hỏi từ thực tế cơ sở.
Thực tế cho thấy, cán bộ xã nắm vững địa bàn, gần gũi dân, phản ứng nhanh với tình huống phát sinh. Ngược lại, nếu cán bộ huyện về xã chỉ dựa vào “kho kinh nghiệm” từ văn phòng mà thiếu sự hòa nhập, thiếu khả năng thấu hiểu địa phương thì có thể gặp khó khăn.
Cán bộ giỏi không chỉ là người có học vị cao mà còn phải là người hành động vì dân, hiểu tâm lý dân và biết cách vận động, dẫn dắt tập thể trong điều kiện hạn chế.
Đưa cán bộ huyện về xã là bước đi cần thiết trong điều kiện tinh gọn bộ máy, nhưng hiệu quả hay không lại phụ thuộc lớn vào cách lựa chọn, bố trí và hỗ trợ cán bộ phù hợp.
Bằng cấp cao của cán bộ huyện được xem là một lợi thế khi được điều về xã, lợi thế đó sẽ thực sự phát huy hiệu quả khi cán bộ tận tụy với công việc, gần dân, hiểu dân và hành động vì dân.
Theo Vũ Điệp (VietNamNet)