Giữa tháng 10-2017, anh Nam (ngụ quận 4, TP HCM) có ý định thuê mặt bằng để kinh doanh quán cà phê. Qua khảo sát, anh Nam ưng ý một địa chỉ nằm ngay đại lộ Võ Văn Kiệt (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1).
Khó mấy cũng có cách gỡ
Do vỉa hè trước quán rộng hơn 3 m nên chủ nhà đòi giá thuê lên đến 12 triệu đồng/tháng. Khi đã chuẩn bị xong tiền đặt cọc, anh Nam đến một số quán ăn xung quanh hỏi thăm về việc làm sao có thể kê bàn ghế lấn ra ngoài vỉa hè. Những nơi anh Nam hỏi đều dặn muốn kinh doanh tốt phải "chào hỏi" cán bộ phụ trách.
"Muốn đặt bàn ghế ở vỉa hè không phải dễ, nhất là trong giai đoạn này. Tuy nhiên, vẫn có cách nhưng phải tìm đúng người trong cơ quan nhà nước mà ký gửi" - một chủ quán cho biết. Người này cũng cho anh Nam số điện thoại của cán bộ tên Phạm Nguyên Vũ (40 tuổi, tổ phó tổ thu phí đậu ô tô, Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1) để được hướng dẫn.
Qua trao đổi điện thoại, ông Vũ hẹn anh Nam đến một quán cà phê gần trụ sở UBND quận 1. Nói chuyện một lúc, ông Vũ vào thẳng vấn đề: "Em chọn quán cà phê đường Võ Văn Kiệt kinh doanh thì hơi khó bởi tuyến đường này không cấp phép sử dụng vỉa hè. Khó nhưng cũng có cách tháo gỡ".
Ông Vũ đề nghị trước mắt đưa 3 triệu đồng để lo chi phí việc "chạy" giấy phép kinh doanh. Còn việc thuê vỉa hè, ông Vũ cho biết con đường này không cấp phép nhưng vẫn cứ đi xin giấy phép. Sau khi nộp đơn ít ngày, UBND quận 1 sẽ ra một văn bản trả lời vỉa hè này chưa được cấp phép nhưng tạm thời vẫn được sử dụng. "Cứ cầm tờ giấy này mang về nhà. Lỡ như anh em (cán bộ trật tự đô thị - PV) xuống kiểm tra, mình đưa ra và nói em có xin phép rồi nhưng quận chưa cho. Có khó thì gọi lên đây, anh nói chuyện" - ông Vũ hướng dẫn.
Ông Vũ nói hiện tại chiến dịch giành vỉa hè vẫn đang triển khai nên không thể "bảo kê" như trước để bày ra bán "vô tư". "Khi nào anh em xuống nói mày dẹp vào thì tự hiểu mang bàn ghế vào. Có những lúc ngồi chung xe với anh Hải (Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 - PV) thì quán mày tới số chết. Còn biết lịch ra quân thì tao gọi cho" - ông Vũ nói.
Chưa yên tâm, anh Nam hỏi: "Nếu vậy mỗi tháng em phải gửi mấy anh đô thị bao nhiêu tiền?". Ông Vũ cau có đáp: "Sao lại nói cái chuyện này ra ở đây. Bao nhiêu thì tùy em và quán em bán được khách hay không. Anh ví dụ, nếu em đưa 500.000 đồng thì nói là ít mà đưa 10 triệu đồng thì nhiều quá. Tự mà tính đi. Nhưng khi ai xuống thì hiểu chuyện nha".
Ông Vũ cũng thông tin việc kiểm tra lấn chiếm vỉa hè không phải chỉ có Đội Quản lý Trật tự đô thị quận 1 làm mà còn có công an khu vực và UBND phường. Vì thế, sau khi "chạy" được giấy phép kinh doanh, ông Vũ hứa sẽ dẫn anh Nam qua gặp bà H., một lãnh đạo UBND phường Nguyễn Thái Bình, để "ra mắt".
"Em đi cùng với anh gặp chị H. để gửi gắm chị. Có gì khó thì nói anh hoặc gọi chị H. Chuyện này dễ thôi" - ông Vũ hứa.
Sau buổi trò chuyện, ông Vũ không ngừng nhắn tin và thúc giục anh Nam đem giấy tờ và tiền qua để lo thủ tục ban đầu.
Sẽ xử lý nghiêm
Sáng 6-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc làm việc với ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1. Sau khi xem thước phim điều tra, ông Hải thốt lên: "Hết sức bậy bạ, cán bộ này làm mất đi hình ảnh của công chức quận 1". Ông Hải gửi lời cảm ơn đến Báo Người Lao Động khi đã phối hợp thông tin. "Tôi biết cán bộ Vũ. Anh này nhiều lần cùng tôi ra quân dẹp vỉa hè. Bây giờ để ý lại thì thấy anh Vũ hay lơ là và không nhiệt tình xử lý" - ông Hải thông tin.
Ông Hải cũng thừa nhận tình trạng cán bộ có dấu hiệu bảo kê xảy ra từ nhiều năm trước, rõ nhất là hiện tượng vỉa hè bị tái chiếm. Bản thân ông đã tìm nhiều cách xử lý tình trạng này nhưng không có đủ thông tin, dữ liệu. "Tuy nhiên, từ những gì Báo Người Lao Động phản ánh, tôi sẽ đề nghị cán bộ Vũ viết tường trình. Sau đó, sẽ có những bước xử lý nghiêm và sẽ có kết quả sớm cung cấp cho Báo Người Lao Động"- ông Hải khẳng định.
Ông Phạm Nguyên Vũ nói: "Kinh doanh ở đâu cũng vậy, phải khôn ngoan và biết chào hỏi người quản lý địa phương".
Theo Lê Phong - Thành Đồng (Nld.com.vn)