Các chuyên gia cho rằng, tới năm 2030, việc Hà Nội và một số thành phố lớn cấm lưu thông xe máy nhưng lại không cấm sở hữu thì người dân có mua xe về cũng chỉ sưu tầm và để…ngắm.
Trao đổi với Dân Việt, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, xu thế cấm xe máy trong nội thành ở các thành phố lớn là xu thế chung của các nước trên thế giới. Do đó, Việt Nam cũng cần phải thực hiện nhưng vấn đề quan trọng là lộ trình như thế nào.
Hiện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có những con ngõ rất dài, nếu di chuyển bằng phương tiện công cộng thì đi bộ sẽ rất xa. Do đó, nếu cấm xe máy thì phải có phương án mở rộng đường đối với các con ngõ hẹp để giúp cho người dân tiếp cận được phương tiện giao thông một cách thuận tiện nhất. “Tuy nhiên, muốn mở rộng được các ngõ hẹp cũng cần có sự phối hợp của người dân vì sẽ liên quan tới đất thổ cư của người dân đang sinh sống. Người dân có hiến đất làm đường không, nếu không hiến đất thì Nhà nước có đủ khả năng đền bù, giải tỏa để mở rộng đường ra không?”, Giáo sư Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi.
Cùng chung nhận định trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới cũng cấm xe máy ở một số thành phố lớn. Tuy nhiên, để có thể đạt được tới mục tiêu này là cả một quá trình, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các nhà lãnh đạo hay người dân mà nó phải được chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế, xã hội.
Người dân phải tiếp cận được phương tiện giao thông di chuyển từ nhà ở tới nhà máy, công sở, bệnh viện, trường học…thuận tiện với chi phí hợp lý. Hệ thống giao thông phải được kết nối đồng bộ từ đường sắt, đường bộ, giao thông ngầm…tạo điều kiện để cho tất cả người dân ở mức sống khác nhau có thể di chuyển bằng phương tiện công cộng tới tất cả các khu vực trong thành phố bằng các hệ thống giao thông công cộng.
“Việc cấm xe của TP. Hà Nội hiện mới là ý chí chủ quan của những nhà quản lý, chưa thực sự là mong muốn của tất cả người dân, dù đã có khảo sát lấy ý kiến người dân nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng cho biết, “Tôi còn nhớ, trước đây Hà Nội chưa có nhiều xe máy, chỉ sử dụng xe đạp nhưng các điểm “đen” như nút Ô Chợ Dừa cũng đã bị tắc nghẽn giao thông. Sau này, khi có phương tiện xe máy thì càng thêm nhiều điểm “đen” tắc nghẽn hơn”.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điều quan trọng là việc cấm xe máy thì thay thế bằng phương tiện gì, mức giá, khả năng tham gia giao thông như thế nào? Trong khi, nhiều người đang kiếm sống bằng chính phương tiện giao thông là chiếc xe máy. Do đó, tôi cho rằng, cần xem xét kỹ hơn trước khi đưa ra ý kiến mang tính chất hành chính. Nếu không, lại giống như các quy định khác như cấm hút thuốc lá nơi công cộng, đưa ra mà chẳng ai thực hiện được.
Nói về việc Hà Nội không cấm sở hữu xe, chỉ cấm lư thông, ông Thịnh cũng cho biết: Không ai cấm được sở hữu, ở nước ngoài khi cấm xe máy người dân vẫn mua xe, cuối tuần đi ra ngoại thành chơi. “Nếu cấm lưu thông xe máy thì phương án như thế nào, phải rào đường lại hay sử dụng biệt pháp gì. Chắc chắn việc cấm xe máy sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tất nhiên là thời gian cấm vẫn còn hơn chục năm nữa nhưng ở thời điểm hiện tại thì cuộc sống của nhiều người vẫn phục thuộc vào chiếc xe máy. Đó là chưa kể tới các doanh nghiệp sản xuất xe máy và các công nghiệp phụ trợ…”, ông Thịnh nói.
Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất xe máy cho biết sẽ có ý kiến chính thức về vấn đề cấm xe máy trong thời gian tới (ảnh IT) |
Cũng liên quan tới vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh phân tích: Thứ nhất: Việc hạn chế, tiến tới cấm lưu thông xe máy trong các khu vực nội đô là một đề án rất tốt cho môi trường cũng như bảo đảm an toàn giao thông trong khu nội đô với mật độ dân cư cao, đường phố đã xây dựng nhiều năm xuống cấp và khó mở rộng như hiện nay.
Thứ hai: Việc không cấm quyền sở hữu xe máy là hoàn toàn phù hợp với hiến pháp, vì đó là quyền có tài sản của người dân một trong những quyền cơ bản của quyền con người. Vấn đề đặt ra là người dân sẽ tự phải điều chỉnh ứng xử của mình với quy định hạn chế, cấm xe máy trong khu vực nội đô, hoàn toàn có quyền sở hữu để sử dụng cho khu vực không bị cấm hoặc để dùng cho việc sưu tầm theo sở thích.
Hiện việc cấm ô tô hay cấm xe máy là dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và căn cứ vào mật độ dân số và loại phương tiên cầm hạn chế trước mắt có những lộ trình khác nhau. Hiện nay, có một số tuyến phố cũng đã cấm ô tô tuyệt đối hay cấm theo ngày, giờ tùy từng trường hợp theo điều kiện tại chính địa bàn đó
“Việc HĐND TP ra nghị quyết cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật về thẩm quyền đối với từng vấn đề tại địa phương, địa bàn mình quản lý”, Luật sư Truyền nói.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Honda, Yamaha, Piaggio…cho rằng, việc cấm xe máy của Hà Nội đưa ra vừa qua bất ngờ nên các doanh nghiệp chưa thể có ý kiến, cần có thời gian nghiên cứu trước khi có ý kiến chính thức về vấn đề này. |
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết thành phố sẽ tiến tới cấm xe máy một số tuyến phố nội đô, nhưng không hạn chế quyền sở hữu và mua sắm phương tiện. Ông Viện cũng cho biết để giảm ùn tắc giao thông, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có phương án cấm xe máy. Hà Nội hiện có 5,5 triệu, trong đó 500.000 ô tô, hơn 5 triệu xe máy và với tốc độ tăng bình quân 10%/năm, dự báo đến năm 2025 có khoảng 11 triệu xe máy. Lượng xe máy lớn không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường, khí thải. Theo ông Viện, giảm xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy hoạt động ở nội thành là xu thế tất yếu. Để hạn chế dần và tiến tới cấm xe máy, phải đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân. Năm 2025, Hà Nội cơ bản đầu tư xong hạ tầng khung như các tuyến đường vành đai, xuyên tâm. Phương tiện vận tải hành khách công cộng có tốc độ nhanh, khối lượng vận chuyển lớn như 8 tuyến đường sắt đô thị. Đến năm 2020, phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội phải đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại của nhân dân, đến 2025 được 30 - 40%. |
Theo T.Xuân (Dân Việt)