Trưa 16/8, huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) bắt bầu chịu ảnh hưởng của bão Bebinca. Theo thượng tá Lương Công Thành, Đồn trưởng Biên phòng Bạch Long Vỹ, đảo đã có gió cấp 8-9, giật tăng hai cấp kèm mưa lớn.
Trước đó Biên phòng phối hợp với cơ quan chức của huyện đảo vận động 51 tàu thuyền di chuyển về đất liền an toàn, kêu họi 192 phương tiện các loại vào âu cảng trên đảo tránh bão, trong đó 92 phương tiện nhỏ được cẩu lên bờ. Ngư dân được bố trí vào nhà đa năng ăn nghỉ tạm.
Với các quận huyện ven biển, Chủ tịch TP Hải Phòng đã ban hành lệnh cấm biển, đóng bến phà, bến đò ngang cho đến khi bão tan. Hơn 2.450 người được huy động tham gia xung kích hộ đê, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thành phố cũng đã lệnh sơ tán hơn 7.720 người thuộc gần 2.000 hộ dân tại 6 quận huyện: Cát Hải, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Dương, Thủy Nguyên. Những hộ này nằm trong vùng nguy hiểm, khi bão vào kết hợp triều cường có thể gây tốc mái, đổ nhà, vỡ đê hoặc nước tràn đê gây ngập.
Tại Quảng Ninh, bão đã ảnh hưởng đến huyện đảo Cô Tô với gió cấp 6-7, mưa vừa. Chủ tịch huyện Trần Như Long cho biết, thông tin về bão được cập nhập liên tục trong 3-4 ngày vừa qua nên người dân đã chủ động trong việc chằng chống, bảo vệ tải sản.
"Các đoàn khách tham quan du lịch cơ bản đã xuống tàu trở về đất liền vào hôm qua. Hiện trên đảo còn 100 khách không về, xin ở lại đón bão cùng với chính quyền và nhân dân huyện", ông Long nói.
Trước đó từ ngày 15/8, tỉnh đã ngừng cấp phép lưu trú tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long; sáng 16/8 ngừng cấpphép các phương tiện thủy ra khơi, tàu du lịch biển. Các lực lượng đã tổ chức kiểm tra vị trí xung yếu có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất đá, sẵn sàng phương án di dời dân khi có yêu cầu...
Bộ trưởng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường sáng nay đã đi kiểm tra tuyến đê biển Hà Nam (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Đây là đê cấp 3, có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho đời sống và sản xuất của người dân thuộc 8 xã đảo Hà Nam. Hiện còn hơn 10 km đê cùng 4 cống tiêu dưới đê Hà Nam chưa được cải tạo, khả năng phòng, chống mưa bão thấp.
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo thị xã Quảng Yên lưu ý các vị trí xung yếu, nhất là trên 10 km đê chưa được nâng cấp, chủ động phối hợp với công an, quân đội sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng phó với mọi tình huống.
Nghệ An nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão Bebinca, 9h sáng nay Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã công bố lệnh cấm biển từ 10h. Tất cả tàu thuyền và phương tiện vận tải không được phép ra khơi. Các tàu thuyền hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu trước 15h hôm nay.
Hiện Nghệ An còn 196 tàu thuyền trên biển, trong đó 186 phương tiện hoạt động gần bờ biển Nghệ An; 10 tàu còn lại ở vùng biển Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh đã nhận được thông tin về vị trí, hướng di chuyển của bão.
Dọc ven biển Cửa Hội và Cửa Lò, sáng nay hàng trăm kiốt vẫn mở cửa song trời mưa giông liên tục nên rất ít khách. Các thiết bị vui chơi trên biển cũng được đưa lên bờ. Tại các bến, cảng dọc huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò, hàng nghìn tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn.
"Theo dự báo và kinh nghiệm đi biển nhiều năm, vùng biển Nghệ An chỉ bị ảnh hưởng và gió nhẹ khi bão vào đất liền, vì vậy việc neo tàu cũng đơn giản, không lo khả năng va đập", thuyền viên Ngạch trên tàu cá Quảng Ngãi đang trú tại bến Nghi Hải (thị xã Cửa Lò) nói.
"Nghệ An được dự báo mưa khoảng 200 mm/đợt. Lo lắng nhất của chính quyền là tình trạng sạt lở đất và lũ quét có thể xảy ra tại huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong...", lãnh đạo Sở Nông nghiệp nói.
Toàn tỉnh có 625 hồ đập lớn nhỏ thì hầu hết đầy nước, một số tích được 80%. 10h sáng nay, mực nước tại hồ chứa thủy điện Bản Vẽ là 192,6 m (thấp hơn so với mực nước dâng bình thường gần 8 m). Lưu lượng nước đổ về hồ 788 m3/s, hiện đang xả qua tổ máy và tràn là 993 m3/s.
Nghệ An yêu cầu các đơn vị chủ hồ chứa nước thủy điện và thủy lợi phải thực hiện phương án đảm bảo an toàn, theo dõi chặt lưu lượng nước đổ về hồ để có phương án vận hành.
Theo Nguyễn Hải- Giang Chinh (VnExpress.net)