Tại TP Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra một số tuyến đê biển có vị trí trọng yếu cũng như công tác phòng chống bão số 4 tại huyện đảo Cát Hải.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của chính quyền và người dân địa phương theo phương châm 4 tại chỗ, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị cần đặc biệt quan tâm việc tuyên truyền, vận động các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn; bảo đảm nơi lưu trú cho hơn 1.000 khách du lịch tại đảo Cát Bà.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng kiểm tra công tác phòng chống bão, đảm bảo an toàn cho du khách tại các bãi tắm; kiểm tra việc kêu gọi tàu thuyền cũng như quản lý, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền vào tránh bão tại các cảng tại quận Đồ Sơn.
Ông Hoàng Đình Dũng, Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn báo cáo với Bộ trưởng về tình hình việc sắp xếp, quản lý các tàu vào tránh trú bão tại cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn).
Tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đã kiểm tra sự chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với bão kết hợp mưa lớn và triều cường tại thị xã Quảng Yên; yêu cầu các lực lượng chức năng cần chú ý đến tuyến đê biển Hà Nam, bảo đảm an toàn cho hàng ngàn người dân cùng diện tích nuôi trồng thủy hải sản phía trong đê.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: Các địa phương của Hải Phòng và Quảng Ninh cần đảm bảo an toàn cho tất cả thuyền bè, người lao động vùng ven biển và khách du lịch, cũng như làm tốt công tác phòng chống ngập úng cho lúa và hoa màu của người dân.
Quảng Ninh chủ động ứng phó với cơn bão số 4
Cho đến thời điểm này, Quảng Ninh đã thông báo cho hướng đi của bão cho hơn 14.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản về nơi neo đậu tránh trú bão; gần 10.000 ô lồng nuôi thủy sản được chằng chống, gia cố; lệnh cấm biển được thực hiện từ 6 giờ sáng nay.
Tất cả các tàu vận chuyển khách du lịch trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long được di chuyển về về nơi tránh trú bão an toàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 160 du ở lại trên các tuyến đảo như Cô Tô, Quan Lạn.
Ông Trần Như Long, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Ở huyện Cô Tô bắt đầu có gió mạnh cấp 6 và mưa nhẹ. Hiện trên địa bàn huyện còn 100 du khách ở lại trong đó có 2 du khách nước ngoài. Chúng tôi đã hướng dẫn thông tin về cơn bão số 4 và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn. Toàn huyện đã sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 4.”
Mưa lớn kéo dài, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được hạ mực nước từ cách đây 4 ngày, đảm bảo dung tích an toàn. Đường đê bao quanh đảo Hà Nam dài 34km đã được tỉnh Quảng Ninh gia cố trong đó 10km đang trong quá trình nâng cấp nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm nay.
“Đối với đê Quảng Yên chịu được sức gió cấp 10, triều cường tần suất 5%. Trong trận bão này, đê vẫn đảm bảo an toàn. Hằng năm, chúng tôi vẫn thực hiện duy tu bảo dưỡng, nâng cấp. Tất cả các đê điều phục vụ dân sinh, bảo vệ nhân dân hiện vẫn đáp ứng yêu cầu, bảo vệ an toàn”- ông Vương Đình Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Qua công tác kiểm tra các địa phương ven biển như huyện Vân Đồn, Đầm Hà và thị xã Quảng Yên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương thực hiện nội dung của công điện khẩn về phòng chống mưa bão, đặc biệt lưu ý những khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người.
Ông Đặng Huy Hậu, PCT thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trước mùa mưa, tỉnh Quảng Ninh luôn có phương án chỉ đạo ngành than có phương án đảm bảo an toàn cho bãi thải, nạo vét các suối đổ ra biển. Các dự án có liên quan đất và có nguy cơ sạt lở thì phải có biện pháp tối ưu, ngăn không để sạt trượt xuống dân và đặc biệt không để ngập úng cục bộ. Đây là việc làm cần thiết mà nhiều năm nay Quảng Ninh đã mất nhiều thời gian và công sức để xử lý. Trong 2 ngày hôm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành phố Cẩm Phả và Hạ Long có các biện pháp tránh ngập úng gây ảnh hưởng đến giao thông và người dân trên địa bàn”./.
Theo Nhóm PV (Vov.vn)