Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội Đặng Văn Cường cho biết, tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại rượu bia thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến rượu bia mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Mức phạt phổ biến liên quan đến nồng độ cồn tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có một trong các hành vi:
Điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, với người lái xe ô tô và các loại xe tương tự như xe ô tô mà vi phạm nồng độ cồn thì mức xử phạt hành chính cao nhất tuổi 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe tới 24 tháng.
Nếu gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể tới 10 năm tù.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có một trong các hành vi:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.
Mức xử phạt: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Như vậy, với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà vi phạm về nồng độ cồn thì mức phạt tiền cao nhất có thể tới 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tới 24 tháng, nếu gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng thì mức hình phạt thấp nhất là 3 năm tù, mức cao nhất có thể tới 10 năm tù theo khoản 2, điều 260 BLHS.
Theo N.Huyễn (VietNamNet)