Bão dị thường
Sáng nay (26/12), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã phát đi bản tin cuối cùng về cơn bão Tembin (cơn bão số 16 trên biển Đông). Với nhiều đặc điểm khác biệt, cho thấy, bão Tembin là một cơn bão dị thường và hiếm có trên biển Đông.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tại cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì chiều 24/12, đã nói rằng: “Đây là cơn bão đặc biệt, là cơn bão số 16-là con số kỷ lục chưa từng có trong một năm trên biển Đông. Trong lịch sử cũng chưa từng có cơn bão nào mạnh cấp 12, vào tháng 12 ở Nam biển Đông ảnh hưởng đến nước ta như vậy”.
Chuyên gia khí tượng Bùi Minh Tăng cũng cho rằng, sự xuất hiện của bão Tembin vào những ngày cuối cùng của năm Dương lịch 2017 là trường hợp chưa từng xảy ra trong vài chục năm trở lại đây. Có thể nói đây là cơn bão dị thường và rất khó đoán.
Theo ông Tăng, qua theo dõi thì đây thực sự là cơn bão rất mạnh. Thông qua số liệu quan trắc tại quần đảo Trường Sa vào chiều tối và đêm qua 24/12, với sức gió cấp 11 - 13, giật cấp 14-15. “Với những diễn biến phức tạp, khó lường không phải chỉ những người làm công tác dự báo của Việt Nam mà cả các đài dự báo khí tượng thủy văn của các nước trên thế giới cũng rất khó khăn khi dự báo về cơn bão này”- ông Tăng phân tích.
Vì sao các đài dự báo quốc tế “việt vị”?
Về lịch sử cơn bão, trao đổi với Tiền Phong, ông Cường cho biết, từ 1h ngày 20/12 một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) phía đông nam Philippines đã mạnh lên thành bão (bão Tembin). Đây là cơn bão thứ 27 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Vào thời điểm đó, đồng loạt các trung tâm dự báo bão quốc tế đều phát bản tin dự báo về cơn bão này. Đến 7 giờ ngày 21/12 sau khi cơn bão di chuyển vào Nam Philippines, thì Việt Nam đã phát bản tin bão gần biển Đông.
“Lúc này, dự báo của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông đều cho rằng bão số 16 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta với sức gió mạnh nhất cấp 10-11. Khu vực đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp là Nam bộ. Dự báo của Việt Nam cũng cho rằng bão số 16 hướng về Nam bộ”- ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, dự báo xu thế cường độ bão của cơ quan dự báo Việt Nam và các nước đều thống nhất bão sẽ mạnh dần lên và đạt cường độ mạnh nhất khi đi và quần đảo Trường Sa, sau đó sẽ yếu dần. Thực tế bão số 16 có diễn biến đúng như vậy.
Khi bão đi vào quần đảo Trường Sa, các nước xác định bão có sức gió mạnh nhất đến cấp 12-13, giật trên cấp 15. Tuy nhiên, do có các số liệu quan trắc bề mặt được ở các trạm đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn và các trạm Huyền Trân, DK1/7, DK1/19 nên Việt Nam đã khẳng định bão có sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15.
Khi bão đi qua khu vực này về phía Tây, cũng nhờ có số liệu quan trắc ở bề mặt nên việc xác định cấu trúc bão, cường độ bão của Việt Nam phù hợp thực tế hơn các nước. Do vậy, Việt Nam dự báo thời điểm bão suy yếu sớm hơn và tốc độ suy yếu nhanh hơn các dự báo của các nước.
Cụ thể vào trưa ngày 25/12, Nhật Bản dự báo bão ở cấp 12, giật cấp 15, sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật 14 và sau đó ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Việt Nam xác định vào thời điểm đó bão cấp 10-11, giật cấp 13 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió cấp 9, giật cấp 12 và sẽ ảnh hưởng đất liền với sức gió cấp 8, giật cấp 11.
Đến đêm 25/12, hầu hết các Trung tâm quốc tế đều xác định bão số 16 ở mức cấp 8 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Tuy nhiên, Việt Nam xác định bão số 16 đã suy yếu thành ATNĐ và sẽ tiếp tục suy yếu nhanh trong các giờ tiếp theo và chỉ có thể gây gió giật mạnh cho đất liền.
Sáng sớm ngày 26/12, khi đi vào sát bán đảo Cà Mau, ATNĐ suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Dựa trên cơ sở quan trắc được từ các trạm khí tượng trên đảo cũng như trên bờ, Cơ quan dự báo Việt Nam đã phát bản tin cuối cùng về cơn bão số 16 (Tembin) vào lúc 9 giờ ngày 26/10.
Theo ông Cường, nhận định chung là các Trung tâm lớn trên thế giới đều dự báo tốt bão số 16 về quỹ đạo và cường độ từ khi đi qua Philippines, vào Biển Đông đến khi đi vào quần đảo Trường Sa. Đến lúc này bão di chuyển khá ổn định và cường độ tăng dần lên.
Tuy nhiên tất cả các nước đều không dự báo đúng diễn biến của bão sau đó, nhất là về tốc độ suy yếu nhanh của bão. Do có các trạm đo ở khu vực biển Đông nên Việt Nam xác định vị trí, cường độ bão sát với thực tế cơn bão. Tính tổng thể cả cơn bão 16, độ tin cậy về dự báo của Việt Nam cũng tương tự như các nước khác.
Việt Nam dự báo sát bão Tembin nhờ “mắt” bão ở Trường Sa
Ngày 20 tháng 5 năm 1977 (ngày bắt đầu quan trắc số liệu) cho đến nay, Trạm khí tượng ở Trường Sa luôn đảm bảo quan trắc số liệu 24h/24h trong mọi điều kiện thời tiết. Hàng ngày Trạm quan trắc 8 obs/ngày, các giờ 1h; 4h; 7h; 10h; 13h; 16h; 19h, 22h. Phục vụ phát báo quốc tế thời gian thực.
Trong cơn bão 16 Tembin dù gió mạnh, nhà trạm bị gió bão cuốn bay, sóng biển, nước biển dâng ngập nhà trạm 1m do chủ động phương án chống bão, 5 quan trắc viên của trạm đã liên tục thực hiện quan trắc 30 phút 1 ca, từ đêm 24 đến ngày 25/12 truyền trực tiếp số liệu về Trung ương để phục vụ việc ra bản tin dự báo bão số 16 kịp thời.
Theo Phạm Anh (Tiền Phong)