Tối qua, Bộ Y tế công bố 18 bệnh nhân Covid-19 mới, trong đó bệnh nhân số 912 là người Trung Quốc nhập cảnh lậu vào Việt Nam, có lịch trình di chuyển phức tạp trước đó khiến nhiều người dân lo lắng nguy cơ ca bệnh này làm lây bệnh trong cộng đồng trước khi bị bắt và cách ly.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), dựa vào lịch trình của bệnh nhân với 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 trước khi "chuyển dương", có thể yên tâm anh ta chưa kịp lây cho ai trên chuyến xe vào TP HCM cũng như ở các nơi lẩn trốn trước khi bị bắt và cách ly.
Theo lịch trình Bộ Y tế công bố trước đó, bệnh nhân 912 (27 tuổi) nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc qua biên giới phía Bắc Việt Nam.Từ 27 đến 29-7, bệnh nhân đi ôtô vào TP HCM. Ngày 30-7, bệnh nhân được phát hiện, đưa cách ly, kết quả xét nghiệm trên các mẫu ngày 30-7, 3-8 và 6-8 đều âm tính. Nhưng đến khi xét nghiệm lần 4 trên mẫu ngày 12-8, kết quả dương tính.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định suốt quãng thời gian từ ngày 6-8 (ngày lấy mẫu cho kết quả âm tính cuối cùng) trở ngược về trước, bệnh nhân này chưa thể phát tán virus cho dù đã nhiễm bệnh. Bởi virus khi đi vào cơ thể chưa thể phát tán ngay, lây ngay cho người khác, mà cần thời gian để nhân lên.
Dạng xét nghiệm RT-PCR mà TP HCM áp dụng là để tìm con virus trong dịch phết mũi họng của bệnh nhân. PCR âm tính, tức trong họng chưa có virus, chưa phát tán. Khi PCR dương tính, bệnh nhân mới bắt đầu có khả năng lây cho người khác, không phụ thuộc vào việc họ đã bắt đầu ho, sốt... hay chưa.
Về mối lo "thời gian ủ bệnh dài bất thường", bác sĩ Khanh cho biết không có căn cứ. Nên nhớ, bệnh nhân này không được lấy mẫu trong các ngày từ 7 đến 11-8, vì vậy có thể anh ta đã dương tính từ ngày 7-8, nhưng không lấy mẫu nên chưa phát hiện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh ca này không lây cho ai thì không hẳn là yên tâm, chủ quan. Ca bệnh này nhắc nhở chúng ta rằng nguồn lây xung quanh còn nhiều, nguy hiểm nếu không kiểm soát nhập cảnh lậu.
"Các ca nhập cảnh lậu không được phát hiện sớm có thể trở thành nguồn gốc của các chuỗi lây nhiễm "mất dấu F0" mà chúng ta lo sợ: đến khi có các F1, F2 bệnh nặng, vào bệnh viện thì có khi F0 đã hết bệnh từ lâu, không thể xác định nữa", bác sĩ Khanh cảnh báo.
Theo Anh Thư (Nld.com.vn)