Bức xúc ảnh dân chèo thuyền ra Tháp Rùa Hồ Gươm chụp ảnh, cúng bái

02/12/2015 13:30:23

Một loạt ảnh về các nam thanh nữ tú, trong đó có cả những bạn trẻ với trang phục váy, quần ngắn phản cảm đứng tạo dáng bên Tháp Rùa đang khiến nhiều người ngạc nhiên. Không chỉ vậy, còn có ảnh người dân ra đó thắp hương, cúng bái vào buổi tối.

Một loạt ảnh về các nam thanh nữ tú, trong đó có cả những bạn trẻ với trang phục váy, quần ngắn phản cảm đứng tạo dáng bên Tháp Rùa đang khiến nhiều người ngạc nhiên. Không chỉ vậy, còn có ảnh người dân ra đó thắp hương, cúng bái vào buổi tối.

Một số độc giả cho rằng, tháp Rùa là nơi linh thiêng của Hà Nội, có giá trị như một biểu tượng quốc gia. Vì thế, không thể chấp nhận được việc coi Tháp Rùa như một địa điểm chụp ảnh, dạo chơi nhằm thỏa mãn trí tò mò, thích khám phá của các bạn trẻ nói riêng và của người dân nói chung.
 
 
 
 
 

Loạt ảnh về các nam thanh nữ tú với trang phục váy, quần ngắn phản cảm đứng tạo dáng bên Tháp Rùa đang khiến nhiều người ngạc nhiên. (Nguồn: Otofun)

PV đã liên lạc với Phòng quản lý di tích đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa để tìm hiểu sự việc.

Ông Nguyễn Đức Vượng, Trưởng phòng Quản lý Di tích và Danh thắng Thành phố Hà Nội - người trực tiếp phụ trách quản lý và điều phối các hoạt động tại Đền Ngọc Sơn – tháp Rùa cho biết, quy định ra vào khu vực tháp Rùa được thực hiện rất chặt chẽ, không có người dân nào được phép ra vào."

“Có phải tuyến du lịch đâu mà người dân được ra, vào như thế! Hỏng hết!” – ông Vượng nói.

Theo lời ông Vượng, người dân muốn ra được Tháp Rùa thì phải di chuyển bằng thuyền. Hiện tại, theo quy định, có 2 thuyền được hoạt động trên hồ Hoàn Kiếm là thuyền Ban Quản lý di tích và thuyền của ban Trật tự hồ Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, thuyền của ban Trật tự hồ Hoàn Kiếm chỉ làm các công tác trên mặt nước, không làm nhiệm vụ đưa người ra Tháp Rùa. Khi giải quyết công việc mà cần phải đặt chân lên Tháp Rùa, họ đều có sự xin phép, báo cáo với Ban quản lý di tích.

Do vậy, không có chuyện ban Trật tự hồ đưa khách ra thăm Tháp Rùa.

“Những người đặt chân lên Tháp Rùa, đều là người của Ban quản lý di tích và danh thắng. Họ ra đó để thắp hương, dọn vệ sinh, cắt cỏ, lau chùi, dọn dẹp…. Đây là bộ phận đã được bố trí theo lịch định kỳ của Ban quản lý” – ông Vượng nói.

Ngoài ra, còn có bộ phận chiếu sáng ra Tháp để làm công tác sửa chữa, lắp đặt, bảo trì. Thỉnh thoảng là các đoàn ra làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra …

Ông Vượng một lần nữa khẳng định, không có người dân nào được ra vào khu vực này.

Tuy nhiên, khi PV đưa ra những bức ảnh các bạn trẻ có lối ăn mặc, hành xử không phù hợp tại tháp Rùa thì ông Vượng hết sức bất ngờ.

Ông Vượng cho biết, “Những bức ảnh được chụp vào buổi tối, lúc đó, đã hết giờ hành chính nên chúng tôi về nhà. Mọi thứ bàn giao cho bảo vệ phụ trách, kể cả khóa thuyền để neo đậu”. Vì thế, ông không biết gì về đoàn khách mà độc giả đã chụp. “Nếu biết, tôi đã chấn chỉnh ngay” – ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, rất có thể đoàn khách “lạ” mà độc giả chụp được kia là người nhà của các nhân viên trong Đền. Buổi tối, lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo, các nhân viên đi làm nhiệm vụ đã đưa người ra cùng.

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, 2 bảo vệ của Đền Ngọc Sơn (xin được giấu tên – pv) đều cho biết: Hiện tại, ở đền Ngọc Sơn có 12 bảo vệ, chia thành các ca, bảo vệ suốt 24 tiếng/ngày.

Tất cả trong số họ không ai có quyền, cũng không bao giờ đưa người ra khu vực Tháp Rùa mà không có giấy hoặc chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Vượng, Trưởng Phòng quản lý di tích và danh thắng Thành phố Hà Nội"

“Có cho bao nhiêu tiền chúng tôi cũng không dám đưa người ra. Tự ý đưa người ra Tháp Rùa như thế thì mất việc từ lâu rồi. Vợ con, người thân của chúng tôi, mong muốn lắm mà còn chưa bao giờ được ra tháp nói gì đến chuyện chúng tôi đưa người khác ra” – một nhân viên bảo vệ nói.

Nhân viên này còn cho biết, bảo vệ vẫn phục vụ đưa các đoàn khách ngoại giao ra tháp, nhưng dù là đêm hay ngày thì tất cả các đoàn đều phải có giấy xác nhận, hoặc ít nhất là điện thoại của lãnh đạo thì họ mới dám phục vụ.

“Có phải là hồ của nhà tôi, tháp của nhà tôi đâu mà chúng tôi được tự ý đưa người ra vào như thế” – Nhân viên này khẳng định.

Trả lời về sự việc, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết thêm:

Khu vực Tháp Rùa là một hạng mục mang tính đặc thù, hiện đã giao cho Ban quản lý di tích danh thắng thành phố quản lý trực tiếp.

Do đó, để làm nhiệm vụ, anh em cán bộ chuyên môn thỉnh thoảng phải ra tháp để xem xét các hạng mục, trông nom những khu vực đồ thờ ngoài đó. Ngoài ra, Sở Văn hoá chưa có chủ trương đưa người dân ra Tháp Rùa.

Để xảy ra sự việc như độc giả đã phản ánh, ông Tiến cho biết, sẽ nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với các cán bộ và nhân viên để khâu quản lý được tốt hơn.

Theo Minh Anh (VietNamNet)

Nổi bật