Từ đêm 16 đến chiều 17/8, các huyện Tây Hiếu, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn ở Nghệ An có mưa với lượng 180-250 mm.
Chiều 17/8, tại huyện Kỳ Sơn, trận lũ bất ngờ tràn qua thị trấn Mường Xén và một số xã. Tại cầu bắc qua sông Nậm Nơn ở thị trấn Mường Xén, người dân phát hiện thi thể hai nam giới trôi theo dòng lũ, hiện chưa thể xác định được danh tính, quốc tịch (có khả năng từ Lào trôi về).
Tại xã Chiêu Lưu, bà Moong Mẹ Tân và em Cụt Văn Thôn đi qua đập tràn, bị nước từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi. Chính quyền mới tìm thấy thi thể em Thôn. Cùng thời điểm này, hai mẹ con trú ở xã Tây Sơn đi làm rẫy trở về nhà thì bất ngờ một mảng núi sạt xuống. Người mẹ kịp chạy thoát, con gái 12 tuổi bị đất vùi lấp. Đường giao thông vào hai xã Chiêu Lưu và Tây Sơn bị lũ chia cắt.
Ông Phan Sỹ Thắng, Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn cho hay, lũ lên rất nhanh vào buổi trưa, nhiều nhà dân ở thị trấn bị ngập hơn một mét. Mưa đã ngớt, song nước lũ từ thượng nguồn và Lào đang tràn về khiến các sông suối ở địa bàn vẫn dâng cao, làm ngập một số bản và đường giao thông.
Mưa lớn khiến lũ sông suối dâng cao, gây ngập các quốc lộ 48, 48B và 48D qua hai huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp. Quốc lộ 48E có 7 điểm bị ngập nửa mét, đặc biệt một cầu tràn nước dâng trên 2 m. Lực lượng chức năng đã lập barie chắn điểm bị ngập, không cho phương tiện qua lại.
Thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, ảnh hưởng của bão Bebinca, huyện Quế Phong có hai nhà dân bị sập mái do cây đổ. Huyện Quỳnh Lưu có hơn 160 nhà bị nước tràn vào. Hơn 300 m đê biển ở Quỳnh Lưu bị hư hỏng.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu các huyện, thành và thị xã theo dõi diễn biến mưa lũ để di dời dân ở những vùng trũng, nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Sáng nay, một số công trình thủy điện xả lũ. Tại hồ thủy điện Bản Vẽ, mực nước là 194,4 m (thấp hơn so với mực nước dâng bình thường gần 6 m), lưu lượng nước đổ về hồ đạt hơn 3.300 m3/s, lưu lượng xả 1.230 m3/s. Dự kiến chiều 17/8, hồ sẽ tăng lượng xả với lưu lượng 2.000 m3/s...
Hiện mưa ở Nghệ An đã giảm, nhưng lũ trên sông Cả đang lên. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An yêu cầu các huyện, thành và thị xã theo dõi diễn biến mưa lũ để di dời dân ở những vùng trũng, nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Nhiều quốc lộ ở Thanh Hóa bị chia cắt sau bão
Bão Bebinca vào miền Tây Thanh Hóa chỉ gây gió mạnh cấp 6-7, nhưng mưa rất lớn. Các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát... xảy ra sạt lở đất.
Tại xã Mường Chanh (Mường Lát), chị Vi Thị Thêu (26 tuổi) đi bắt cá trong khu ao của gia đình, bất ngờ bị đất đá từ trên đồi sạt xuống vùi lấp, tử vong tại chỗ.
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường Lát cho biết, mưa đã làm sạt lở 17 điểm trên các tuyến quốc lộ đi thị trấn huyện. Trong đó, quốc lộ 15C qua xã Trung Lý sạt lở hơn 10 điểm khiến giao thông bị chia cắt. Các điểm sạt lở còn lại tập trung ở xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Tén Tằn... UBND huyện Mường Lát đang huy động lực lượng, máy móc giải tỏa các điểm sạt lở.
Tại huyện Quan Sơn, mưa lớn buộc chính quyền phải sơ tán 30 hộ dân ở các xã Trung Tiến và Sơn Điện khỏi khu vực nguy hiểm. Xã Sơn Điện đang xuất hiện một vết nứt kéo dài ven sườn núi, nguy cơ sạt lở đất đá xuống quốc lộ 217.
Tại huyện Quan Hóa, ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện, cho biết đã phải sơ tán 28 hộ dân nằm trong vùng bị ngập ven sông suối nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Địa bàn huyện có 3 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 100 m khiến một số tuyến đường đang bị ách tắc.
Sớm 17/8, khi đi vào vùng biển Nam Định - Thanh Hóa, bão Bebinca - cơn bão thứ tư trên biển Đông trong năm nay, đã suy yếu. Khoảng 5h, Bebinca chỉ còn là áp thấp nhiệt đới khi ở phía Tây Thanh Hóa, sức gió tối đa 45 km/h (cấp 7).
Hoàn lưu trước và trong bão gây mưa to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tổng lượng mưa 50-150 mm. Sơn La, Hòa Bình mưa lớn hơn, trên 200 mm. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn (Nghệ An), Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Thủy (Hòa Bình).
Theo Hải Bình (VnExpress.net)