Sáng nay, tại các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa trời đã hửng nắng, sóng biển không lớn sau khi bão đổ bộ vào bờ. Bão đổ bộ vào Thanh Hóa với cường độ nhẹ nên không gây thiệt hại đáng kể về tài sản.
Dọc các xã ven biển như Hoằng Trường, Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Phụ của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), bè mảng của ngư dân được kéo lên bờ trước đó để tránh bão, cách mép biển từ 50 – 100 m. Do bão đổ bộ vào bờ với sức gió cấp 8, cấp 10 và thời điểm thủy triều đang xuống nên sóng không to, không gây ảnh hưởng đến thuyền bè của ngư dân.
Tại TP Sầm Sơn, sau khi bão vào đất liền, trên địa bàn có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5. Một số cây lớn và biển quảng cáo dọc đường Hồ Xuân Hương bị đổ gãy. Hiện, chưa ghi nhận thiệt hại về con người. Vùng ven biển, nước không dâng cao.
Còn tại huyện Tĩnh Gia, từ 4h sáng 17/8, trên địa bàn có gió giật mạnh cấp 7,8, mưa lớn. Hiện tại, gió đã giảm nhẹ, mưa cũng ngớt. Bước đầu, trên địa bàn huyện ghi nhận một số cây cối bị gãy đổ, chưa ghi nhận thêm thiệt hại về tài sản và con người.
Theo thông tin từ Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa sáng ngày 17/8, cho biết, sau khi đi vào Thanh Hóa, bão số 4 đã gây mưa rất to với lượng mưa ước tính đã đạt 50-100mm và dự báo sẽ còn tiếp tục mưa to trong ngày.
Trước đó, trước nguy cơ bão số 4 sẽ đổ bộ vào vùng bờ biển Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng dã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển chỉ đạo kiểm tra, rà soát các hộ dân sinh sống ở khu vực gần mép nước, trong phạm vi cách bờ biển 200m, tổ chức di dời sơ tán ngay các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Việc sơ tán dân khu vực ven biển và vùng núi đã thực hiện xong trước 22h ngày 16/8. Riêng huyện Thường Xuân đã tổ chức sơ tán 96 hộ/325 nhân khẩu tại các xã Yên Nhân, Bát Mọt ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ ống, lũ quét.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa, trong đó 490 hồ đã đầy nước, 124 hồ không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ (9 hồ đã chỉ đạo không tích nước)... Trong số này chỉ có 4 hồ có cửa xả sâu, số hồ còn lại đa phần được xả tràn tự nhiên.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Sông Chu vận hành xả lũ các hồ chứa theo quy trình được duyệt. Riêng đối với Hồ Cửa Đạt thực hiện việc xả lũ theo lưu lượng 1.200 lên 1.500 m3/s để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ chứa như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đã chỉ đạo.
Cùng với hồ Cửa Đạt, Công ty TNHH MTV thủy điện Trung Sơn cũng đã ra thông báo Thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) sẽ xả lũ trong 24 giờ tới với lưu lượng 1.500 - 2.000 m3/giây.
Để đối phó với lượng mưa hoàn lưu sau bão, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các lực lượng chức năng tổ chức canh đê, chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công. Sẵn sàng phương án hộ đê khi sự cố xảy ra.
Theo Ngọc Hưng (Gia Đình & Xã Hội)