Bóc mẽ chiêu thức trục lợi bảo hiểm

11/12/2017 14:43:21

Theo BHXH Việt Nam, trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho thấy tình trạng lạm dụng, trục lợi với nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau.

Để lừa dối cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt tài sản, người vi phạm làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai hoặc sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy tờ này hoặc móc nối với cơ sở y tế để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định làm căn cứ thanh toán tiền trợ cấp ốm đau, thai sản.

Gian lận để thụ hưởng các chế độ BHXH

Ngoài ra, người vi phạm còn thành lập doanh nghiệp (DN) "ma", sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ để đăng ký đóng BHXH hoặc hợp đồng tuyển lao động phụ nữ có thai. Thực tế, họ không làm việc mà vẫn đăng ky1 đóng BHXH đầy đủ 6 tháng theo quy định. Người vi phạm lập hồ sơ BHXH khống và làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ thai sản, chiếm đoạt tiền BHXH.

Bóc mẽ chiêu thức trục lợi bảo hiểm

Đáng chú ý, để trục lợi người vi phạm hợp thức hóa những tai nạn không thuộc diện tai nạn lao động thành tai nạn lao động để hưởng trợ cấp tai nạn lao động hoặc đăng kí tham gia BHXH sau khi đã xảy ra tai nạn để được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp. Thủ đoạn này luôn có sự cấu kết giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động thể hiện ở việc khai báo không trung thực về thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, ngụy tạo hồ sơ để hợp thức hóa các tai nạn rủi ro thành tai nạn lao động, để chiếm đoạt tiền chế độ tai nạn lao động. Đồng thời làm hồ sơ khống để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí cho một số người chưa đủ thời gian tham gia BHXH, như: xác nhận khống thời gian làm việc và tham gia BHXH để làm giải quyết chế độ hưu trí; đề nghị điều chỉnh lại ngày tháng năm sinh tăng lên hoặc giảm xuống theo hướng có lợi cho bản thân khi giải quyết chế độ…

Trốn đóng BHXH cho NLĐ

Lợi dụng cơ chế, chính sách BHXH còn có kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng BHXH cho người lao động chưa nghiêm nên DN cố tình chây ỳ trốn đóng hoặc chiếm dụng BHXH của NLĐ.

Thực tế trong những năm qua, do quy định mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH và mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đóng BHXH thấp nên nhiều DN đã lợi dụng các qui định này chiếm dụng tiền BHXH của NLĐ. DN sử dụng số tiền đó để đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh và chấp nhận nộp phạt. Vì tổng số tiền phải nộp phạt và lãi chậm đóng BHXH thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng.

Ngoài ra người sử dụng lao động lách luật bằng cách hợp đồng miệng hoặc kí liên tiếp chuỗi hợp đồng theo thời vụ hoặc chuỗi hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng hoặc kéo dài thời gian thử việc. Vì theo quy định của Luật BHXH năm 2006, NLĐ có hợp đồng lao động dưới 3 tháng không phải tham gia BHXH bắt buộc. Thậm chí để đóng mức BHXH thấp hơn mức quy định, DN đã lập và sử dụng hai hệ thống số lương khác nhau. Cụ thể một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho NLĐ; một hệ thống lương khác dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH (mức lương này chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút).

Với thủ đoạn này, các DN đã trốn đóng một khoản tiền BHXH mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH. Điển hình: Qua kiểm tra, thanh tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn J and V, tỉnh Đồng Nai, phát hiện nhiều trường hợp NLĐ có tới 2 hợp đồng lao động. Mức lương ký trên hợp đồng lao động thực trả là 12.000.000 đồng/tháng, mức lương ký hợp đồng lao động để tham gia BHXH chỉ là 2.000.000 đồng/tháng.

Theo L.H (Đại Đoàn Kết)