Điểm tên những doanh nghiệp chây ỳ, nợ 'khủng' tiền bảo hiểm xã hội

04/12/2017 07:45:08

Nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là vấn đề "nóng" trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước tình trạng này, BHXH Hà Nội đã đề ra hàng loạt biện pháp với mục tiêu giải quyết tận gốc vấn đề, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Điểm tên những doanh nghiệp chây ỳ, nợ 'khủng' tiền bảo hiểm xã hội
BHXH Hà Nội nỗ lực giảm nợ đọng, đảm bảo quyền lợi người lao động

Những năm gần đây, việc nợ đọng, trốn đóng, chiếm dụng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra khá thường xuyên. Các hành vi vi phạm phổ biến như: đóng BHXH, BHYT, BHTN không đủ cho số lao động trong doanh nghiệp, thỏa thuận với người lao động không giao kết hợp đồng (nhưng vẫn có tên trong bảng chấm công, bảng thanh toán lương), giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 3 tháng nhiều lần...

Đăng tải danh sách doanh nghiệp chây ỳ tiền bảo hiểm

Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội vừa đăng tải danh sách 500 cơ quan nợ BHXH, BHYT từ 6 tháng trở lên tính đến hết tháng 10-2017. Đây là các doanh nghiệp đã nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 6 đến 24 tháng với tổng số nợ hơn 1.162 tỷ đồng.

Đứng đầu trong danh sách mà BHXH Hà Nội vừa công bố là Công ty Cổ phần LILAMA 3 (Lô 24-25, KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) với số nợ lên tới gần 28 tỷ đồng, thời gian nợ là 59 tháng. Tiếp theo là Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment (Khu Công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) với số nợ lên tới hơn 22,6 tỷ đồng, thời gian nợ là 20 tháng.

Vị trí thứ ba là Chi nhánh Công ty CP ô tô Xuân Kiên Vinaxuki - NM SX ô tô số 1, Mê Linh, Hà Nội (Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội) với số nợ hơn 16,7 tỷ đồng, thời gian nợ là 64 tháng. Tiếp đó là Công ty CP Cầu 12 Cienco 1 với số nợ là gần 16 tỷ đồng, Công ty CP 116 Cienco 1 với số nợ là hơn 15 tỷ đồng…

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những đơn vị có tên trong danh sách đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 2 vạn lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Quyết tâm giảm nợ đọng BHXH

Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, sau một thời gian vào cuộc mạnh mẽ của BHXH Thành phố phối hợp với các cấp các ngành trong công tác đôn đốc, thu hồi nợ BHXH, BHYT, số tiền nợ BHXH, BHYT trên địa bàn, tính hết tháng 10-2017 là 2.938,2 tỷ đồng, chiếm 8,8% kế hoạch thu, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 8,1% nhưng theo đánh giá chung tỷ lệ nợ BHXH vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 681.180 lao động.

Nhằm giảm nợ BHXH, hạn chế tối đa việc trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và quyền an sinh xã hội của người lao động Thủ đô, trong những tháng cuối năm 2017, BHXH thành phố đã và đang chỉ đạo quyết liệt bằng các biện pháp phù hợp trong thu hồi nợ đọng.

Trước mắt, BHXH thành phố tiếp tục đôn đốc thu nợ, đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử phạt các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT từ 12 tháng. Mỗi đơn vị vi phạm cơ quan BHXH sẽ có văn bản thông báo, đôn đốc 2 lần (15 ngày một lần); sau 15 ngày kể từ ngày thông báo lần thứ hai mà đơn vị không thực hiện thì cơ quan BHXH trực tiếp đến đơn vị đôn đốc, hướng dẫn, lập biên bản làm việc.

Sau 3 tháng kể từ ngày thông báo lần đầu, đơn vị vẫn không chấp hành thì cơ quan BHXH quyết định thanh tra đột xuất, lập biên bản vi phạm, xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả vi phạm. Trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì cơ quan BHXH chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, truy tố.

Bên cạnh đó, ngành BHXH, phối hợp cơ quan Thuế cung cấp, đối chiếu với dữ liệu do cơ quan BHXH thành phố đang theo dõi, quản lý để kết xuất dữ liệu; Phối hợp thường xuyên với Công an thành phố Hà Nội để trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu các đơn vị sử dụng lao động, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ đọng BHXH, những thông tin về quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN theo yêu cầu của cơ quan Công an; kết quả về công tác xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Theo Phạm Hương (An Ninh Thủ Đô)