Bộ Y tế đề xuất thay đổi triệt để cách thức hậu kiểm thực phẩm chức năng

27/05/2025 08:40:28

Bộ Y tế đang chủ trì dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo hướng thay đổi triệt để cách thức hậu kiểm thực phẩm chức năng, đó là tiền kiểm hồ sơ chặt chẽ và hậu kiểm thường quy, hậu kiểm đột xuất.

Bộ Y tế đề xuất thay đổi triệt để cách thức hậu kiểm thực phẩm chức năng
Bộ Y tế đề xuất thay đổi cách thức hậu kiểm thực phẩm chức năng, đó là tiền kiểm hồ sơ chặt chẽ và hậu kiểm thường quy, hậu kiểm đột xuất. Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 4 nhóm: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Trong đó, nhóm thực phẩm bổ sung trong hồ sơ tự công bố chỉ kiểm soát kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn; hai nhóm còn lại là thực phẩm dinh dưỡng y học và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt chưa kiểm soát về chất lượng. Chỉ duy nhất nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là kiểm soát về chỉ tiêu chất lượng, tuy nhiên hồ sơ công bố cũng rất đơn giản.

Hiện nay, theo quy định, các tổ chức, cá nhân chỉ cần nộp hồ sơ là có thể đưa sản phẩm ra thị trường. Những sản phẩm gọi là thực phẩm bổ sung sau khi doanh nghiệp công bố, được phép sản xuất và kinh doanh ngay. Doanh nghiệp cũng được tự quảng cáo mà không có cơ quan quản lý xác nhận nội dung quảng cáo.

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiến sĩ Chu Quốc Thịnh, quy định hiện tại chưa có cơ chế giám sát cơ chế tự công bố. Trong hồ sơ tự công bố hiện nay chỉ kiểm soát kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn, trong khi để kiểm soát chất lượng sản phẩm phải kiểm soát chỉ tiêu chất lượng mới quan trọng. Đây chính là "lỗ hổng" khi đánh giá chất lượng thực tế hay công dụng của sản phẩm.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiến sĩ Chu Quốc Thịnh cũng cho hay, Bộ Y tế đang học hỏi mô hình quản lý từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Nhật Bản... Các nước này đều kiểm soát chặt chẽ từ khâu nghiên cứu, chỉ tiêu nguyên liệu phát triển sản phẩm, đăng ký, sản xuất đến khi sản phẩm lưu thông thị trường.

Theo đó, Bộ Y tế đang chủ trì dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo hướng thay đổi triệt để cách thức hậu kiểm. Bộ Y tế cũng dự kiến chuyển nhóm thực phẩm bổ sung – hiện doanh nghiệp tự công bố, tự quảng cáo – sang nhóm bắt buộc phải đăng ký công bố và nộp hồ sơ kỹ thuật chặt chẽ, đầy đủ.

Bộ Y tế đề xuất áp dụng mô hình của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và một số nước tham khảo, đó là tiền kiểm hồ sơ chặt chẽ và hậu kiểm thường quy, hậu kiểm đột xuất. Tức là, sau khi doanh nghiệp công bố sản phẩm, cơ quan chức năng sẽ phải chủ động rà soát hồ sơ, lấy mẫu thị trường để kiểm tra chất lượng thực tế, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đồng thời, đẩy mạnh việc kiểm tra đột xuất trên cơ sở phản ánh từ người tiêu dùng, báo chí hoặc cơ quan chức năng. Hệ thống kiểm nghiệm cũng được giao nhiệm vụ chủ động giám sát thị trường, thay vì chỉ kiểm tra theo đơn hàng như hiện nay.

Dự thảo mới cũng đề xuất nhiều quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quảng cáo. Cụ thể, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn; nền tảng truyền thông và cả đơn vị phát hành quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo sai lệch và sai quy định.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng bộ quy tắc đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng.

Đặc biệt, để phù hợp với thực tiễn kinh doanh mới, dự thảo sẽ đề xuất bổ sung vai trò giám sát của nhiều cơ quan khác như Bộ Công an; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ. Các cơ quan này sẽ cùng phối hợp trong hậu kiểm, gỡ bỏ quảng cáo sai lệch, giám sát các phòng kiểm nghiệm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Được biết, dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới.

Theo Mây Hạ (Pháp Luật & Xã Hội)

Nổi bật