Đề xuất trên được người đứng đầu Bộ Y tế nói tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo chống dịch TP HCM sáng 8/2, khi đề cập đến việc TP HCM ghi nhận 29 ca, trong đó 24 ca nghi nhiễm trong cộng đồng.
Chỉ thị 16 được Thủ tướng ban hành hôm 31/3/2020, áp dụng từ ngày 1/4 đến 15/4/2020 trên cả nước trước bối các ổ dịch liên tiếp bùng lên ở 23 tỉnh thành, ghi nhận 137 bệnh nhân. Tinh thần của chỉ thị là "giãn cách xã hội trên toàn quốc, tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó".
Tại TP HCM, Chỉ thị 16 đã kéo dài từ ngày 1/4 đến 22/4/2020.
Ông Long cho biết, trước tình hình dịch lan ra cộng động, thành phố phải nâng cao việc chống dịch lên một mức, nhanh hơn, quyết liệt hơn mới kiểm soát được. Theo đó, thành phố cần chọn địa điểm áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thay vì Chỉ thị 15 như hiện nay.
"Những nơi nguy cơ cao, có người nhiễm, thì áp dụng Chỉ thị 16, Như vậy chúng ta mới đi nhanh hơn dịch", ông Long nói và cho rằng việc áp dụng Chỉ thị 16 hay không do TP HCM quyết, Bộ Y tế chỉ gợi ý, đề xuất.
Nhận định tình hình dịch ở TP HCM, ông Long cho biết ổ dịch ở khu bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất đã có từ trước, có thể một số trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng không phát hiện được.
"Dịch ở TP HCM khá phức tạp, đã trải qua nhiều chu kỳ lây nhiễm nên chưa xác định được điểm khởi đầu của chuỗi lây nhiễm . Đây là điều khiến chúng tôi rất lo lắng", ông Long nói và cho rằng có thể ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm trong thời gian tới và con số không dừng lại ở 29.
Đối với các nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất mắc Covid-19, Bộ trưởng Y tế nhận định dù không tiếp xúc hành khách, những người này có thể giao lưu trong thành phố rất lớn. Vì vậy, ông nhấn mạnh TP HCM cần hành động khẩn trương, nâng cao hơn một mức và mạnh hơn một mức để phòng, chống dịch.
"Có thể có nhân viên bốc xếp đã nhiễm và đã khỏi, "bệnh nhân 1979, 2002" không phải là bệnh nhân đầu tiên. Phải truy vết bằng được các trường hợp liên quan. Thành phố phải khoanh vùng nhanh các trường hợp có nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Rồi sau đó mới thu hẹp dần laị khu vực phong toả để đỡ ảnh hưởng người dân", ông Long nói.
Để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, theo bộ trưởng, TP HCM cần lấy mẫu gộp theo cụm gia đình. Các trường hợp F1 phải xử lý xét nghiệm đơn. Theo đó, Bộ đã yêu cầu các đơn vị của Bộ Y tế, nhất là Viện Pasteur nâng công suất xét nghiệm tối đa lên 50.000 mẫu một ngày, nếu gộp mẫu sẽ được lên 200.000 mẫu mỗi ngày.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết đã thống nhất điều phối một bộ phận thường trực đặt tại 51 Phạm Ngọc Thạch do một thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng bộ phận. Đồng thời, huy động toàn bộ nhân lực của các bệnh viện của Trung ương hỗ trợ thành phố xử lý chuỗi lây nhiễm ở sân bay cũng như trong cộng đồng.
"Bộ sẽ hỗ trợ tối đa để TP HCM xử lý đợt dịch này", ông Long nói.
Mười ngày qua, TP HCM ghi nhận 6 ca nhiễm, gồm một bệnh nhân người Hải Dương và 5 bệnh nhân là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất; 24 ca nghi nhiễm.
Theo Hữu Công (VnExpress.net)