Không bàn luật Đặc khu tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10

11/09/2018 20:57:24

Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt (Đặc khu) sẽ chưa được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 khai mạc vào tháng 10 tới đây.

Không bàn luật Đặc khu tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10
Phú Quốc, một trong những nơi dự kiến sẽ hình thành đặc khu

Báo cáo về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, so với chương trình dự kiến trước đó, có 4 nội dung sẽ được rút khỏi chương trình.

Cụ thể, dự án luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt sẽ chưa đưa vào chương trình thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, mà để cơ quan soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến hoàn thiện dự án luật.

Dự án luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng bị rút khỏi chương trình do không đảm bảo tiến độ chuẩn bị, nên phải rút khỏi phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự án luật Hành chính công cũng bị rút khỏi chương trình do Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 11.9 đã quyết định sẽ trình Quốc hội xem xét dừng dự án luật này, rút khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh.

Bên cạnh đó, Báo cáo kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội (định kỳ 3 năm báo cáo Quốc hội) dự kiến gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu cũng bị rút khỏi chương trình, do nội dung này được lồng ghép trong Báo cáo kết quả kiểm toán tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Bảo hiểm xã hội và đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2017).

Ngoài các nội dung trên, chương trình kỳ họp tháng 10 dự kiến bổ sung các báo cáo về đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; tình hình thực hiện chính sách dân tộc năm 2018; việc thực hiện chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt; các dự án trọng điểm quốc gia (gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu).

Với chương trình dự kiến, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ thảo luận 15 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật được đưa ra thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Quốc hội.

Tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 23 ngày. Trong đó, xây dựng luật 12 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác 9 ngày; khai mạc, bế mạc 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào 22.10, dự kiến bế mạc vào 20.11. 

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp sẽ được điều chỉnh theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về từng nội dung, trước khi gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo Lê Hiệp (Thanh Niên Online)