Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về tính hai mặt của mạng xã hội đang phát triển như vũ bão hiện nay và hướng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho biết, hiện có 2 mạng xã hội nước ngoài có đông người Việt dùng nhất, tính đến 30/9/2017, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam.
“Có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang lấn áp thông tin truyền thống? Với trách nhiệm của ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp gì tận dụng mạng xã hội đưa thông tin tích cực đến người dân cũng như hạn chế những thông tin xấu độc?”, đại biểu Cao Thị Xuân đặt câu hỏi.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Mong Văn Tình (đoàn Nghệ An) nêu vấn đề về nhiều thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức lan tràn trên mạng xã hội. “Với vai trò tư lệnh ngành thông tin truyền thông, Bộ trưởng có thể đưa ra giải pháp gì?”, đại biểu đoàn Nghệ An hỏi.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xác định thông tin độc hại trên mạng dựa vào những tiêu chí nào? Ở các nước việc xác định thông tin độc hại có những tiêu chí khác nhau.
Theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn Nghệ An), hiện nay trên các mạng xã hội, thông tin bôi nhọ lãnh đạo rất nhiều… Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ các giải pháp đột phá để quản lý thông tin trên mạng xã hội.
Trả lời phần chất vấn về mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin. Giới trẻ Việt Nam cũng sử dụng công nghệ thông tin rất giỏi.
“Ngày hôm qua (16/11) trong Chương trình Nhân tài Đất Việt 2017, hầu hết thành tựu của giới trẻ đạt được trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, bên cạnh kết quả tích cực kể trên, tác hại của mạng xã hội không phải là nhỏ, đó là những thông tin bôi nhọ, kích động, bạo lực… ngày càng nhiều hơn.
“Nhiều người cho rằng, thông tin xấu như vậy có nên xử dụng mạng xã hội nữa không. Việc sử dụng mạng xã hội như thế nào còn do ý thức của người sử dụng”, ông Trương Minh Tuấn nói và cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc với các đơn vị liên quan để tăng cường thông tin tốt, giảm thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, hiện gần 70% người dân Việt Nam dùng Internet, khoảng 53 triệu người dùng Facebook nhưng chỉ một bộ phận nhỏ với “năng lượng đen, xấu” đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc "ném đá", nói xấu, bôi nhọ… trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối, dẫn tới hệ luỵ khôn lường. Từ năm 2014 đến nay, có 5 - 6 người tự tử vì bị bôi xấu, “ném đá tập thể” trên mạng xã hội.
Thời gian qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã làm việc với các đơn vị liên quan để tăng cường năng lượng tốt, giảm nặng lượng thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Bộ cũng đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook, Google... để trao đổi với các công ty này về việc một mặt tuân thủ luật quốc tế, nhưng khi kinh doanh tại Việt Nam thì cũng phải tuân thủ luật Việt Nam.
Bộ Thông tin Truyền thông đã tác động Youtube gỡ bỏ 5.000 clip xuyên tạc, nói xấu, phản cảm, sai sự thật. “Tới đây Bộ sẽ tăng cường hoạt động phát triển mạng xã hội trong nước, đẩy mạnh thông tin trên báo chí để đẩy lùi các thông tin xấu, sai sự thật trên mạng, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội”, ông Trương Minh Tuấn nói.
Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Tuấn, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu ra ba câu hỏi liên quan trực tiếp đến việc Mobifone mua AVG.
Cụ thể, đại biểu Lê Thanh Vân băn khoăn đến việc từ yêu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone đã dùng vốn do nhà nước cấp để mua AVG? Giá trị đích thực trong vụ chuyển nhượng này là bao nhiêu? Từ khi mua về Mobifone đến nay AVG hoạt động ra sao, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra mua không?
Theo Quang Phong (Dân Trí)