Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Thi hành án Hình sự (sửa đổi). Quy định tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam nhận được nhiều góp ý từ đại biểu Quốc hội.
7.000 phạm nhân ra ngoài lao động, 1 người bỏ trốn
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nêu nhiều lý do ủng hộ đề xuất này. Theo bà, việc tổ chức lao động không chỉ cải tạo mà còn rất cần thiết cho mục tiêu phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng sau này.
Nhìn nhận việc tổ chức lao động trong trại là tốt nhất, bà Thủy nêu thực tế nhiều trại giam chật hẹp không có đầy đủ điều kiện cho phạm nhân lao động. Thời gian qua, Bộ Công an thí điểm tổ chức lao động ngoài trại giam đều thiết kế theo mẫu của trại, có tường rào, cách biệt khu dân cư. Việc này giúp đa dạng hoá ngành nghề, việc làm, học nghề, chuyển nghề.
Số liệu của Bộ Công an cho thấy trong gần 7.000 phạm nhân lao động ngoài trại chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.
Nhấn mạnh mục tiêu của việc này không phải vì kinh tế, bà Thủy nói để phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ tạo cơ hội cải tạo, hoàn lương, giúp phạm nhân trở thành người có ích. Thực tế các nước tiên tiến cũng quy định tương tự.
Dù đồng tình, bà Thủy lưu ý Bộ Công an tính đến yếu tố an toàn, an ninh khi tổ chức hoạt động này. Dự thảo cũng quy định chặt chẽ như điểm lao động đặt dưới sự quản lý của trại giam chứ không phải của doanh nghiệp. Cùng với đó phạm nhân phải tự nguyện và đồng ý bằng văn bản mới được tham gia lao động bên ngoài.
Cùng quan điểm ủng hộ, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhấn mạnh lao động là quyền của phạm nhân. Việc này không có vấn đề gì lớn, nên giao Chính phủ quy định chi tiết là hợp lý.
Lo ngại tính pháp lý
Cùng là Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng- An ninh, song đại biểu Nguyễn Mai Bộ lo ngại tính pháp lý, liệu các quy định này vượt quá phạm vi của Bộ luật Hình sự vì Bộ luật quy định buộc phạm nhân phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.
Giơ biển xin tranh luận với các đại biểu đồng tình với đề xuất này, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh nguyên tắc khi xây dựng pháp luật là phải căn cứ vào luật cao hơn. Ông cũng chung quan điểm với đại biểu Nguyễn Thanh Hồng.
“Dự thảo trao cho trại quyền đưa phạm nhân ra khỏi cơ sở giam giữ thì căn cứ vào đâu? Báo cáo của Bộ là doanh nghiệp tổ chức nơi lao động theo mẫu thiết kế của trại giam, có đầy đủ công trình đảm bảo yêu cầu an ninh thì tôi băn khoăn thiết kế này là cái gì, là trại giam hay công trường xí nghiệp? Giải quyết mối quan hệ giữa người lao động với chủ lao động như thế nào”, ông Sơn băn khoăn và cho rằng chúng ta không thể thông qua thiết chế mà chưa có quy định.
Giải trình làm rõ hơn ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh phạm nhân chỉ lao động ở giới hạn phạm vi điểm lao động, dạy nghề chứ không phải theo cách hiểu “ngoài phạm vi xã hội”, và có sự thống nhất của trại giam, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
“Phạm vi hoạt động của cơ sở lao động, dạy nghề dù không trong khuôn khổ trại giam nhưng vẫn thuộc quản lý của trại giam để đảm bảo an ninh, an toàn chứ không phải ra ngoài xã hội bình thường”, đại tướng Tô Lâm lý giải.
Ông cũng cho biết sẽ phân công cán bộ quản lý, có cơ chế quản lý như trong trại giam, lao động thành tổ, đội và thực hiện các quy định như điểm danh... Cùng với đó là quy định tiêu chí, điều kiện thành lập khu sản xuất, điểm lao động dạy nghề ngoài trại giam. Vấn đề này cũng có sự giám sát của VKSND.
“Quy định này cũng phù hợp xu hướng xã hội hoá thi hành án được nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp”, ông Lâm khẳng định.
Theo Hoài Thu (Tri Thức Trực Tuyến)