Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ sáng 7/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm về giải pháp thời gian tới để đảm bảo các tiêu chí không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội và khẳng định quan điểm nhất quán không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, một lĩnh vực?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, đấu tranh phòng chống tham nhũng là công tác trọng tâm của lực lượng công an trong thời gian qua. Bộ Công an triển khai gương mẫu, đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện trên các phương diện là phát hiện, điều tra, xử lý vụ án tham nhũng; chống tham nhũng, làm trong sạch ngay trong nội bộ; cải cách thủ tục hành chính, quản trị xã hội bằng pháp luật nhưng tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp chứ không gây khó dễ.
Cá nhân tham nhũng bị điều tra, truy tố, xét xử theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất kỳ ai. Việc xử lý các cá nhân đã giúp cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, không để đối tượng trốn ra nước ngoài và dám trốn ra nước ngoài.
Với khâu xử lý đối tượng, Đại tướng Tô Lâm cho biết hiện nay tội danh chính được xử lý với nhóm tham ô, tham nhũng là tội Tham ô tài sản, tức là ăn cắp tài sản của Nhà nước, nhân dân về làm tài sản riêng của mình. Đây là bản chất của tội tham ô tài sản.
"Tội thứ hai là Đưa hối lộ, nhận hối lộ. Chúng tôi chưa bắt đối tượng nào không nhận tiền cả. Thành ra không có chuyện xử lý quá làm cán bộ sợ không dám làm, bởi không phải xử lý tội lợi dụng chức vụ quyền hạn mà là tội nhận hối lộ. Việc đó nhân dân rất đồng tình", ông Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Công an nói vừa qua nhiều vụ án có số người bị hại rất đông nên việc thu hồi tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi lẽ đấu tranh phòng chống tham nhũng cần phải thu hồi lại được tài sản cho nhà nước, nhân dân.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Lâm, công tác này cần tiếp tục phải làm, gắn bó từ khi phát hiện đã kê biên, kê khai tài sản, không để đối tượng tẩu tán tài sản.
Nêu thực trạng tình hình thông tin cá nhân bị lộ lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng Công an về giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, được thế giới quan tâm, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số. Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra rất cấp bách.
"Chúng tôi đánh giá tình trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay ở Việt Nam rất nghiêm trọng. Trong đó, tội phạm xâm nhập, đánh cắp dữ liệu cá nhân là rất lớn", Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Năm 2023, Bộ Công an xử lý hàng chục triệu vụ xâm phạm cơ sở dữ liệu. Một trong các nguyên nhân là ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người chưa cao, sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân cho người khác hoặc doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự.
Theo lãnh đạo ngành Công an, việc xử lý mua bán, lộ lọt dữ liệu cá nhân chủ yếu đang thực hiện theo điều 288 Bộ Luật Hình sự về đưa, sử dụng thông tin trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông.
Để xử lý hiệu quả, Bộ Công an đang chỉ đạo một số giải pháp như khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó tham mưu Chính phủ hoàn thiện Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo lộ trình của đề án 06 trong kế hoạch 2024, Bộ Công an cũng đề xuất xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; đồng thời đề xuất bổ sung sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015 thêm tội danh làm lộ lọt dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm hành vi này.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin liên quan nếu không nằm trong quy định bắt buộc của Nhà nước.
Hiền Lê (SHTT)