Những dấu ấn trong sự nghiệp của ông Nguyễn Đức Chung
Hôm 28/8/2023, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP) thêm 18 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tròn ba năm trước, đúng vào ngày 28/8/2020, ông Chung bị cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Ba năm bị tạm giam, trải qua bốn vụ án, ông Nguyễn Đức Chung đang chịu tổng hình phạt 13 năm 6 tháng tù.
Ông Nguyễn Đức Chung, SN 1967, quê thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương - là điều tra viên cao cấp, tiến sĩ luật, cử nhân kinh tế. Quá trình công tác trong ngành công an, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó phòng, rồi Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội. Năm 2004, khi mới 37 tuổi, ông được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; được trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất…
Tiếp đó, ông Chung được bổ nhiệm là phó Giám đốc Công an TP, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội. Tháng 9/2012, ông Chung được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an TP Hà Nội khi đang mang quân hàm Đại tá và một năm sau được phong hàm Thiếu tướng - thời điểm này, ông là Thiếu tướng trẻ nhất ngành công an.
Từ khi còn làm lính trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự đến vị trí Giám đốc Công an TP, ông Nguyễn Đức Chung tham gia hàng loạt chuyên án phức tạp. Điển hình vào tháng 9/2014, ông thuyết phục thành công kẻ khống chế bắt giữ con tin tại quận Thanh Xuân; tháng 11/2011, đang là Phó Giám đốc Công an Hà Nội, ông cũng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khám phá thành công vụ án giả danh y bác sỹ bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, do Nguyễn Thị Lệ (33 tuổi, quê Bắc Giang) chủ mưu.
Bước ngoặt lớn thay đổi sự nghiệp của ông Chung là tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội khóa 16 nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông được bầu làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội. Và kỳ họp HĐND TP tháng 12/2015, ông tiếp tục được bầu làm Chủ tịch UBND TP.
Trên cương vị Chủ tịch Hà Nội, ông Chung luôn "xây dựng hình ảnh" là một cán bộ chí công vô tư, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cựu Chủ tịch ghi nhiều dấu ấn từ những phát biểu gây xôn xao dư luận liên quan đến hàng loạt quán bia vỉa hè, bãi đỗ xe, đều có cán bộ phường, quận và công an đứng sau...
Tháng 4/2017, xảy ra biến cố ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ông Chung về địa phương đối thoại trực tiếp với người dân thả 19 cán bộ, chiến sĩ bị giam giữ tại nhà văn hóa.
Những ngày đầu Hà Nội phát hiện ca mắc Covid-19, ông đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời giúp Thủ đô 'đứng vững' trước làn sóng dịch bệnh phức tạp, có thể lây lan rộng...
Người từng là 'khắc tinh' của tội phạm lại phạm tội
Tuy nhiên, đi cùng với dấu ấn tốt đẹp thì trong hơn 4 năm rưỡi nhiệm kỳ làm Chủ tịch cũng là lúc khởi phát cho hàng loạt sai phạm khiến đường quan lộ của ông Chung "đứt gánh", dẫn đến tù tội.
Vụ án đầu tiên cựu Chủ tịch bị khởi tố là “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước”, cơ quan tố tụng cáo buộc, tháng 5/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu xảy ra tại Công ty Nhật Cường. Ông Chung và vợ được xác định là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Để nắm thông tin, ông Chung làm quen với ông Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ thuộc Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an, nên Dũng nhận lời “cung cấp tài liệu”.
Kết quả điều tra xác định, ông Dũng nhiều lần chiếm đoạt tài liệu mật của vụ án Công ty Nhật Cường rồi chuyển cho ông Chung. Với sai phạm trên, tháng 11/2020, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông 5 năm tù giam.
Tiếp theo là vụ “chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy-3C”, bản án xác định, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước sông, hồ trên địa bàn bằng cách tìm kiếm công nghệ tiên tiến phù hợp để xử lý.
Ông Nguyễn Đức Chung với chức năng, nhiệm vụ là Chủ tịch UBND TP đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm.
Sau đó, ông Chung chỉ đạo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm Redoxy-3C, thông qua Công ty Arktic (công ty gia đình của ông Chung - do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc). Động cơ vụ lợi này đã gây thiệt hại hơn 36 tỷ đồng tài sản Nhà nước.
Tháng 12/2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Chung 8 năm tù. Đến tháng 6/2022, tại phiên phúc thẩm, ông nhận trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, nên được giảm án còn 5 năm.
Đối với vụ “can thiệp gói thầu số hóa doanh nghiệp”, cơ quan tố tụng xác định, gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT TP Hà Nội, làm chủ đầu tư. Tuy vậy, quá trình thực hiện, từ đề xuất của Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường), Nguyễn Đức Chung chỉ đạo dừng thầu trái quy định.
Các bị cáo tại Sở KH&ĐT Hà Nội tiếp nhận chỉ đạo và thực hiện can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu bằng việc sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho liên danh Đông Kinh - Nhật Cường trúng thầu. Còn các bị cáo tại Công ty Đông Kinh cùng với Công ty Nhật Cường thiết lập "quân xanh" để thông thầu, sau khi trúng thầu lại chuyển nhượng trái phép cho nhau để hưởng lợi.
Tòa đánh giá hành vi của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại 26 tỷ đồng.
Cuối tháng 12/2021, TAND TP Hà Nội tuyên ông Chung 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Sang tháng 7/2022, cấp phúc thẩm giảm án cho ông xuống còn 2 năm tù.
Cuối cùng là vụ "thổi giá cây xanh" trồng tại một số tuyến phố thủ đô, ông Chung bị quy kết, đã can thiệp, chỉ đạo "miệng", áp đặt Giám đốc Sở Xây dựng phải đặt hàng trực tiếp từ Công ty Sinh Thái Xanh (là doanh nghiệp có người thân thiết với ông Chung).
Thực hiện theo chỉ đạo, năm 2016-2019, dù việc trồng mới cây xanh ở Hà Nội đủ điều kiện đấu thầu nhưng Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng lại ký hợp đồng đặt hàng. Đơn vị này giao Công ty Cây Xanh (doanh nghiệp thuộc UBND Hà Nội) và Công ty Sinh Thái Xanh trồng cây trước, rồi mới lập dự toán, thẩm định.
Theo cơ quan tố tụng, tổng 16 hợp đồng với hai công ty trên đã gây thiệt hại cho ngân sách 34,7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Chung được lãnh đạo doanh nghiệp cảm ơn 2,6 tỷ đồng và tặng các công trình cây xanh tại nhà bố mẹ đẻ, trường học ở quê... trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.
Xuyên suốt quá trình xét xử 4 vụ án, những lời nói sau cùng của ông Nguyễn Đức Chung thể hiện sự ăn năn, hối lỗi và nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu UBND TP Hà Nội.
Như trong phiên sơ thẩm vụ “thổi giá cây xanh”, đứng trước bục khai báo, cựu Chủ tịch cho hay sau 3 năm bị giam giữ, bố vợ ông đã mất, hiện nay bố đẻ đang trong tình trạng nguy kịch ‘không có hy vọng gì để được làm tròn nghĩa vụ làm con’. Song ông vẫn mong HĐXX cho mình được hưởng hình phạt nhẹ nhất, để có cơ hội về chăm sóc mẹ già.
"Tôi băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều, chương trình trồng cây xanh rất tốt đẹp nhưng lại có cái kết phải ra tòa. Đây là điều mà tôi không mong muốn và nó nằm ngoài sự quản lý của tôi. Tôi khẳng định lần nữa là tôi luôn nhận trách nhiệm của mình", cựu Chủ tịch Hà Nội nói.
Hay trong phiên xét xử vụ “gói thầu số hóa”, ông Chung bày tỏ đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc từ khi bị khởi tố. "Tôi ý thức rõ mình với cương vị chủ tịch UBND TP Hà Nội và trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin, phải chịu trách nhiệm cả điều tốt và những tồn tại, cụ thể là những sai phạm trong vụ án này..."
Theo Hoàng An (Tiền Phong)