Chiều 3/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo một số bộ ngành đã trả lời các vấn đề báo chí quan tâm tại cuộc thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.
"Quan điểm của Bộ là bất kỳ cán bộ nào sách nhiễu, lợi dụng trục lợi thì xử lý nghiêm theo pháp luật. Trường hợp ông Quang, sau khi công an làm việc, biên bản của công an chỉ xác minh mất bao nhiêu, còn lại thế nào, không có ý nào về việc có phong bì bóc dở. Nhưng nếu sau điều tra mà thấy vi phạm, ông Quang cũng sẽ bị xử lý nghiêm", ông Hà nói.
Bộ trưởng Tài nguyên cũng khẳng định chưa nhận được phản ứng hay thông tin nào nào về việc ông Quang nhũng nhiễu khi đi công tác, "nếu ai có bằng chứng thì cung cấp cho Bộ trưởng".
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ai có bằng chứng cán bộ nhũng nhiễu hãy gửi cho tôi. Ảnh: Võ Hải |
Theo ông, mọi việc công khai nhưng phải công bằng, khách quan, không nên suy đoán khi chưa có kết luận, vì không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ông Quang mà còn tổ chức. "Bộ sẽ đi đến cùng xem có tình ngay lý gian, có vấn đề nào khác không", ông Hà nói.
Cục phó Nguyễn Xuân Quang khẳng định mang tiền vào Long Anh để mua đất. Ảnh: Võ Hải |
Trước đó ngày 27/9, Cục phó Nguyễn Xuân Quang báo bị mất gần 400 triệu đồng tại khách sạn ở Long An. Thời điểm này, ông đang làm trưởng đoàn thanh tra môi trường với 30 doanh nghiệp trên địa bàn, dự kiến kéo dài từ 21/9 đến 11/10.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu Tổng cục trưởng Môi trường báo cáo vụ việc.
Cùng thời điểm, ông Quang đã tạm dừng thanh tra tại Long An, về Hà Nội “giải quyết công việc". Báo cáo giải trình, ông Quang khẳng định số tiền trên là của gia đình, ông mang theo với mục đích góp tiền mua đất.
Ngày 2/10, Tổng cục Môi trường phát đi thông cáo cử người khác làm Trưởng đoàn thay ông Quang và tiếp tục thanh tra tại một số tỉnh Tây Nam Bộ như kế hoạch. Cùng ngày, cơ quan công an cho hay, đã khởi tố vụ án Trộm cắp tài sản, sau khi ông Nguyễn Xuân báo mất gần 400 triệu đồng.
"Không có vùng cấm trong kiểm tra cán bộ lãnh đạo"
Trước câu hỏi của báo chí liên quan tới việc nhiều cán bộ cấp cao dính sai phạm trong các vụ án kinh tế lớn như Phạm Công Danh, OceanBank..., Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định quan điểm của Đảng, Chính phủ là "quyết tâm chống tham nhũng và tiêu cực".
"Tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, của Chính phủ là xem xét thanh tra, kiểm tra, xử lý đúng người, đúng tội, không có vùng cấm", ông nói.
Người phát ngôn của Chính phủ thông tin thêm, việc phát hiện sai phạm của cán bộ cấp cao trong các vụ án kinh tế là bài học đắt giá về công tác quản lý, sử dụng cán bộ, do trong thời điểm nào đó chưa quản lý hết, chưa đánh giá kỹ lưỡng.
"Trong điều hành ở chỗ này, chỗ khác khi phát hiện các vụ việc tiêu cực thì phải xác minh, kết luận trách nhiệm cá nhân sai phạm, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu. Tất cả nội dung này được công khai", Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Đà Nẵng không ảnh hưởng đến tổ chức APEC
Báo chí nêu câu hỏi về việc Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa bị đề nghị kỷ luật, Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ thì đã bị cảnh cáo, liệu có ảnh hưởng đến việc tổ chức APEC tại địa phương này hay không? Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: "Việc này không ảnh hưởng đến tổ chức APEC vào tháng 11 tới".
Theo ông Dũng, Hội nghị APEC sẽ có sự tham dự của Tổng thống Mỹ và nhiều lãnh đạo các nền kinh tế khác, do vậy Việt Nam phải tổ chức tốt, đúng vai trò là nước đăng cai.
Ông Dũng nhấn mạnh câu hỏi của báo chí đề cập đến hai việc khác nhau. Trong đó, xem xét và công bố kỷ luật cán bộ được cơ quan chức năng thực hiện theo quy định; còn tổ chức APEC đã được các cơ quan chức năng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tính toán đảm bảo mọi việc.
Quy hoạch Ga Hà Nội sẽ được xem xét cẩn thận
Về đề xuất quy hoạch Ga Hà Nội, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết chính quyền Thủ đô đang lấy ý kiến các Bộ ngành, trong đó có Bộ Giao thông.
Quan điểm của Bộ là việc quy hoạch phân khu chức năng trong quy hoạch đô thị là cần thiết. Riêng đối với Hà Nội và TP HCM thì các hạ tầng đang quá tải. Vì vậy, trong giao thông phải xem xét mật độ người sống khu vực đó, đất dành cho giao thông thế nào, mật độ đường... Cụ thể, Bộ kiến nghị đất dành cho giao thông Hà Nội, TP HCM phải là trên 20% (theo quy định là 17%, hiện tại TP HCM chỉ có 7-8%).
Theo ông Đông, ga Hà Nội là ga trung tâm liên vận quốc tế và đầu mối giao thông kết nối nên phải xem xét mật độ hành khách tham gia. "Thủ tướng đã yêu cầu là phải quy hoạch ga Hà Nội và vùng lân cận một cách thận trọng để đảm bảo phát triển bền vững", ông Đông nói.
Chính quyền Thủ đô đang lấy ý kiến các bộ ngành về quy hoạch ga Hà Nội. Ảnh: Giang Huy |
Giữa tháng 9, Hà Nội xin ý kiến các bộ ngành về đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận. Theo quy hoạch do tư vấn Nhật Bản lập, ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng với mặt tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Tư vấn đề xuất chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150 m (tương đương 40 tầng). Trong đó, khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều cao kiến trúc...
Tuy nhiên, theo đề xuất của Hà Nội, trong 9 phân khu thì các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200 m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng. Hiện dân số khu vực quy hoạch là 34.000 người, dự báo tăng thêm 10% dân số mỗi năm nên tổng dân số của đồ án sẽ là 44.000 người. Qua đó, Hà Nội sẽ tăng dân số khu vực nội đô (4 quận nội thành cũ) từ 800.000 người lên 824.000 người.
Theo Hoàng Thuỳ - Anh Minh - Võ Hải (VnExpress.net)